Bảo đảm an toàn cho người dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở

Hiện tượng sạt lở đất, đá trong mùa mưa bão xuất hiện tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nhất là đối với các huyện vùng sâu vùng xa có nhiều đồi núi hiểm trở như các huyện Định Hóa, Võ Nhai.

Chú thích ảnh
Rạng sáng 22/4/2021, trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, xảy ra mưa lũ cục bộ tại một số xã, thị trấn, gây thiệt hại nhiều công trình, hoa màu. Ảnh: Thu Hằng/TTXVN

Tại huyện Võ Nhai, đồi núi chiếm hơn 80% diện tích tự nhiên, sạt, lở đất luôn tiềm ẩn nguy cơ cao. Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, ảnh hưởng của thiên tai, chính quyền địa phương cần chủ động những giải pháp nhằm đảm bảo an toàn đối với người dân, đặc biệt là nhân dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão.

Huyện Đại Từ có 11 xã, thị trấn nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo. Mùa mưa bão hằng năm những trận lũ ống, đất, đá từ thượng nguồn Tam Đảo kéo về gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Mới đây nhất, từ các ngày 22 - 26/4, mưa lớn, lũ ống kéo về đã làm hư hỏng nhiều công trình giao thông, cuốn trôi hoa màu, tài sản của người dân trong đêm. Đặc biệt, sườn núi Tam Đảo xuất hiện vết nứt kéo dài có nguy cơ sạt lở. Chính quyền địa phương đã phải di dời khẩn 12 hộ dân với 53 nhân khẩu sinh sống dưới chân núi đến nơi an toàn, đồng thời báo cáo tỉnh lập dự án tái định cư cho người dân.

Ông Dương Trọng Hiếu, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Từ cho biết, năm 2020 đã có 8 đợt mưa bão lớn gây lũ ống, sạt lở khiến hơn 600 nhà ở, hàng chục công trình bị hư hỏng, thiệt hại ước tính hàng trăm tỉ đồng. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Đại Từ, nguy cơ sạt lở đe dọa tính mạng, tài sản người dân còn hiện hữu tại các bãi thải của các mỏ than. Các địa điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt trượt cao như: mỏ than Yên Phước ( thuộc các xã Nao Mao, Phú Cường, Minh Tiến); bãi thải mỏ than Phấn Mễ (xã Phục Linh). Để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống tại khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, từ năm 2016 đến nay, huyện Đại Từ đã di dời và hỗ trợ san gạt, giật cấp ta luy dương đối với khoảng 70 hộ dân sinh sống ở các vùng có nguy cơ sạt lở.

Mới đây, trận mưa lớn xảy ra rạng sáng 11/5 đã gây sạt lở tại mỏ đá Lân Đăm 2 (xóm Lân Đăm, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ). Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng hơn 2.000 m3 đất, đá sạt lở đã vùi lấp và làm hư hỏng 50 m đường giao thông nông thôn, gần 20 hộ dân của xóm bị cô lập. Chiều tối 13/5, mưa lớn kéo dài làm đất đá tại mỏ đá Lân Đăm 3 (xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ) sạt lở làm hư hỏng 10m đường bê tông, đá lăn xuống ruộng người dân. Chính quyền địa phương phải di dời khẩn 4 hộ dân ngay trong đêm đến nơi an toàn.

Ông Nông Minh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Võ Nhai cho biết, qua rà soát trên địa bàn huyện hiện có gần 700 hộ dân sinh sống dưới chân đồi, núi, ta luy dương,… tiềm ẩn nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão. Trong những năm qua, địa bàn huyện đã có tình trạng đá lăn từ trên núi xuống khu vực có người dân sinh sống, hoặc sạt lở xuống một số tuyến đường giao thông liên xã gây nguy hiểm cho người dân, như ở tại các xã Bình Long, La Hiên, Thần Sa, Sảng Mộc, Phương Giao.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (đơn vị thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên), là địa phương có nhiều đồi núi, địa hình hiểm trở, mỗi mùa mưa bão, tỉnh bị thiệt hại nặng nề. Đặc biệt là người dân sinh sống tại các chân núi, chân bãi thải của các mỏ luôn sống thấp thỏm lo sợ bị sạt lở đất, đá. Những năm qua, tỉnh đã chú trọng xây dựng các khu tái định cư, di dời hàng trăm hộ dân khỏi các khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên, qua rà soát, hiện toàn tỉnh vẫn còn hơn 3.200 hộ nằm trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở, lũ quét. Trong đó, hơn 600 hộ cần phải di dời và tỉnh sẽ ưu tiên di dời khẩn cấp đối với các hộ nằm trong vùng nguy hiểm cao, các trường hợp còn lại sẽ được di dời theo từng giai đoạn.

Tỉnh Thái Nguyên đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân bằng cách hạ, giật cấp ta luy để chống sạt lở, khuyến cáo người dân sinh sống ở các vùng có nguy cơ sạt lở cần chủ động, nâng cao cảnh giác khi có mưa bão kéo dài, xuất hiện các dấu hiệu bất thường tại ở khu vực có nguy cơ sạt lở.

Trần Trang (TTXVN)
Huyện Sìn Hồ chủ động di dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở
Huyện Sìn Hồ chủ động di dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

Huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu là huyện vùng cao, có địa hình dốc, chia cắt mạnh nên huyện có nhiều hộ dân, khu dân cư chịu tác động mạnh của sạt lở đất mỗi khi mùa mưa về.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN