Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giữ nghề truyền thống, giải quyết việc làm đang được tỉnh Bắc Ninh quan tâm, chỉ đạo các cấp, ngành tích cực triển khai thực hiện. Nhờ vậy, những năm qua, các cấp, ngành chức năng và người dân đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức trong công tác đào tạo nghề; huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác đào tạo nghề và tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề.
Lễ ký kết bao tiêu sản phẩm tiêu biểu giữa doanh nghiệp với đại diện làng nghề có học viên sau khóa học có chứng kiến của các sở, nghành và huyện
|
Từ năm 2011, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011-2015 định hướng đến năm 2020” với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế; xây dựng đội ngũ công chức xã có trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước.
Tại Trường trung cấp kinh tế kỹ thuật và thủ công mỹ nghệ truyền thống huyện Thuận Thành sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án, nhà trường đã chủ động xây dựng chương trình phối hợp liên ngành giữa nhà trường với các hội, đoàn thể huyện Thuận Thành nhằm rà soát nhu cầu học nghề ở mỗi cơ sở gắn với quy hoạch các cụm khu công nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất ở cơ sở, giúp cho việc xây dựng kế hoạch đào tạo được sát với thực tế hơn, thông qua kế hoạch tổ chức thực hiện hàng năm.
Một buổi thực hành nghề truyền thống đúc rát Đồng tại thôn Đào Viên, xã Nguyệt Đức của học viên Trường trung cấp kinh tế kỹ thuật và thủ công mỹ nghệ truyền thống huyện Thuận Thành. |
Ngoài thực hiện mô hình điểm tổ chức hoạt động và lập kế hoạch đào tạo nghề ở cơ sở (xã Xuân Lâm, Nguyệt Đức, Mão Điền...) khá hiệu quả, nhà trường còn lập kế hoạch khôi phục các làng có nghề truyền thống tại các thôn có nghề truyền thống được nhân dân hưởng ứng ủng hộ cao. Tiêu biểu như: Nghề Đúc dát đồng thôn Đào Viên xã Nguyệt Đức, Điêu khắc gỗ thôn Bình Cầu xã Hoài Thượng, nghề làm Đậu thôn Trà Lâm xã Trí Quả, nghề làm Tương thôn Đình Tổ xã Đình Tổ, Tạc tượng múa rối nước thôn Đồng Ngư xã Ngũ Thái…bước đầu đã đào tạo cho các làng nghề có nguồn nhân lực dồi dào từng bước vững về tay nghề, nâng cao ý thức trách nhiệm với làng nghề và yêu nghề hơn. Nhờ đó, một số nghề mới được giữ vững và từng bước phát triển.
Ông Nguyễn Văn Chế - Hiệu trưởng trường trung cấp kinh tế kỹ thuật và thủ công mỹ nghệ truyền thống huyện Thuận Thành cho biết: Số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956/CP, nhà trường tổ chức khai giảng được 161 lớp trình độ sơ cấp nghề cho 4.870 lao động, trong đó có 3.172 lao động nữ (chiếm 65.1%); lao động thuộc các đối tượng chính sách là 417 lao động (chiếm 8,56%) còn lại là đối tượng thuộc diện thu hồi đất 224 lao động, diện hộ nghèo 133 lao động, diện gia đình thương binh, gia đình liệt sỹ 57 lao động. Cơ cấu ngành nghề đào tạo thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp gồm (Công nghiệp, dịch vụ, nghề truyền thống).
Thực tế lao động qua đào tạo cho thấy từng bước được thị trường chấp nhận, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn, cơ bản lao động trong độ tuổi từ 36 tuổi trở xuống chiếm 46% thuộc các nghề; nghề truyền thống, nghề Điện, May cơ bản đa phần lao động ngoài độ tuổi tuyển dụng các doanh nghiệp đã thành lập tổ hợp, tổ nhóm, tạo ra những mô hình sản xuất linh hoạt hơn hiệu quả theo qui mô đồng vốn của bản thân và gia đình như: Mô hình sản xuất Đậu thôn trà Lâm - xã Trí Quả, sản xuất nấm thương phẩm xã Nghĩa Đạo, xã An Bình vv.. và nhiều mô hình tiêu biểu khác. Thu nhập bình quân của lao động thuộc các nhóm nghề: Nhóm nghề nông nghiệp đạt 2-2.5 triệu đồng/1tháng, Nhóm nghề lĩnh vực cơ điện – công nghiệp và kinh tế đạt 3-3.5 triệu đồng/1 tháng, Nhóm nghề truyền thống đạt 5-7 triệu đồng/1 tháng, góp phần làm giàu, giảm nghèo cho mỗi gia đình.
Sản phẩm trưng bày đúc đồng truyền thống của học viên sau khi đào tạo tại trung cấp kinh tế kỹ thuật và thủ công mỹ nghệ truyền thống huyện Thuận Thành |
Quá trình đào tạo nhà trường luôn chú trọng nâng cao kỹ năng nghề và định hướng lập nghiệp cho mỗi lớp học sau khóa đào tạo. Kết quả số lao động sau khi học nghề làm đúng với nghề được đào tạo, chiếm 88,9%. Nhiều lao động được doanh nghiệp tuyển dụng, còn lại lao động tự tạo việc làm và thành lập tổ hợp sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp. Đặc biệt là nhóm đào tạo nghề truyền thống đều có việc làm ổn định và có mức thu nhập cao từ 5 triệu đến 7 triệu đồng tùy theo từng vị trí đảm nhận làm theo mỗi sản phẩm Anh Đỗ Quang Tĩnh, một học viên được đào tạo nghề điêu khắc gỗ thôn Bình Cầu, xã Hoài Thượng – huyện Thuận Thành cho biết: Sau khi học nghề điêu khắc gỗ, anh đã tự tin mở xưởng điêu khắc và tuyển thêm lao động vừa dạy nghề vừa sản xuất các sản phẩm điêu khắc gỗ bán ra thị trường. Bước đầu, sản phẩm gỗ điều khắc đã tiêu thụ, cho thu nhập ổn định.
Mục tiêu đến năm 2015 và giai đoạn 2020, nhà trường thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ 5.400 lao động trình độ sơ cấp nghề và 840 lao động có trình độ trung cấp. Tập trung nâng cao số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề các nghề đang thực hiện và mở rộng đào tạo các ngành nghề mới, nghề truyền thống trên địa bàn huyện,chú trọng các nghề trọng điểm cấp Quốc gia như: Đúc dát đồng mỹ nghệ; kỹ thuật điêu khắc gỗ; cơ điện nông thôn. Ưu tiên khôi phục các nghề truyền thống và phát triển tại các làng có nghề truyền thống.
Ông Chế cho biết: Năm 2014, khối các trường chuyên nghiệp tỉnh Bắc Ninh đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh đề nghị Chính phủ tặng danh hiệu Cờ thi đua Chính phủ cho trường trung cấp kinh tế kỹ thuật và thủ công mỹ nghệ truyền thống huyện Thuận Thành. Sở Lao động thương binh và xã hội Bắc Ninh đề nghị Bộ Lao động thương binh và xã hội đề nghị Chính phủ tặng bằng khen trong thực hiện Đề án 1956/CP của Chính phủ.
Thái Hùng