Theo đó, Bắc Giang duy trì và phát triển Trung tâm dữ liệu chuyển đổi số tỉnh, nâng cao chất lượng hạ tầng mạng WAN và mạng truyền số liệu chuyên dùng thông qua thuê dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông, đồng thời đầu tư trang thiết bị để nâng cao hiệu quả hệ thống họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến xã.
UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, đảm bảo 100% hệ thống camera giám sát tại bộ phận một cửa được kết nối với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; mở rộng đường truyền phục vụ hệ thống camera giám sát an ninh, giao thông theo Đề án 257.
Tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông nâng cao chất lượng mạng internet cáp quang và đảm bảo chất lượng phủ sóng di động trên toàn địa bàn tỉnh.
Năm 2025, Bắc Giang tiếp tục duy trì và phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) cấp tỉnh. Song song với đó, các ngành tiếp tục vận hành hiệu quả các nền tảng chuyên ngành như: Khám, chữa bệnh trong ngành Y tế; học trực tuyến trong ngành Giáo dục; truyền hình số, phát thanh số của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Các đơn vị tích cực cập nhật dữ liệu lên các nền tảng quốc gia về tài nguyên và môi trường phục vụ mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển nền tảng giao tiếp số thống nhất giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp, tạo kênh tương tác đa dạng và thuận tiện thông qua các hình thức như ứng dụng di động, cổng thông tin điện tử, tổng đài và mạng xã hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết, năm 2025, các sở, ngành ở tỉnh thực hiện tiếp nhận, kế thừa, sử dụng các cơ sở dữ liệu đã được Trung ương đầu tư, xây dựng và ưu tiên phát triển cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực quan trọng như: Giáo dục đào tạo; y tế, bảo hiểm, an sinh xã hội; tài chính; cán bộ công chức, viên chức; nông nghiệp; du lịch; lao động, việc làm; phương tiện giao thông, xây dựng, thông tin và truyền thông…
Tỉnh tập trung vận hành ổn định Hệ thống thông tin phản ánh hiện trường và Hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn thông tin; khai thác hiệu quả Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Bắc Giang; duy trì, phát triển Cổng thông tin điện tử của tỉnh, hệ thống thư điện tử công vụ, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc, hệ thống thông tin báo cáo, số hóa bản đồ các thông tin cơ bản phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức và các phần mềm chuyên ngành trong các cơ quan Đảng, Nhà nước...
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục phát triển Kho dữ liệu số tỉnh Bắc Giang; hạ tầng không gian đô thị (GIS) tỉnh; phát triển Cổng dữ liệu mở là kênh thông tin, chia sẻ tài nguyên dữ liệu để người dân, doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, sử dụng, cập nhật dữ liệu và thông tin phục vụ cuộc sống, hoạt động đầu tư, kinh doanh; khuyến khích người dân tích cực tham gia giám sát, quản lý các hoạt động của chính quyền, xã hội.
Trong năm nay, tỉnh tiếp tục phát triển Trung tâm điều hành thông minh (IOC) và hạ tầng internet vạn vật (IoT) thành phố Bắc Giang; xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC) và hạ tầng internet vạn vật (IoT) thị xã Việt Yên; ưu tiên phát triển trước các dịch vụ giải quyết các vấn đề bức thiết của xã hội, bảo đảm hiệu quả, gắn kết các dịch vụ đô thị thông minh với các dịch vụ chính quyền số…
Thời gian qua, Bắc Giang đã đạt được những kết quả ấn tượng trong công tác chuyển đổi số. Cụ thể, chỉ số chuyển đổi số (DTI) của tỉnh đã có sự tiến bộ vượt bậc: Duy trì vị trí thứ 10/63 tỉnh thành trong hai năm 2020, 2021 và thăng hạng lên vị trí thứ 9/63 vào năm 2022.
Năm 2024, chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của Bắc Giang đứng thứ 4 cả nước; chỉ số chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp đứng thứ 3 cả nước; chỉ số cải cách hành chính (Par Index) đứng thứ 4 cả nước; chỉ số xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số dẫn đầu cả nước.
Đến nay, 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh có hạ tầng internet cáp quang; 100% diện tích được phủ sóng thông tin di động. Trên 85% dân số trưởng thành của tỉnh có điện thoại thông minh; trên 90% gia đình có người có điện thoại thông minh; 86,3% hộ có kết nối internet băng rộng cáp quang.
Hệ thống Hội nghị họp trực tuyến được triển khai xây dựng từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thị trấn và liên thông 4 cấp. Đến nay, hệ thống đã được mở rộng đến 21 điểm cầu ngành Giáo dục, 13 điểm cầu ngành Y tế, 54 điểm cầu cơ quan khối Đảng, đoàn thể, 25 điểm cầu tại đơn vị sở, ngành, địa phương.
UBND thành phố Bắc Giang đã ban hành Kiến trúc ICT đô thị thông minh phiên bản 1.0; hoàn thành triển khai và đưa vào sử dụng trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) giai đoạn 1 (gồm 8 phân hệ chính: Kinh tế - xã hội; doanh nghiệp thương mại; giáo dục; y tế; hành chính công; an ninh trật tự, an toàn giao thông; tài nguyên môi trường; quản lý đô thị) từ tháng 6/2023 và đang duy trì hoạt động tốt.
Trung tâm IOC thành phố Bắc Giang đã triển khai ứng dụng công nghệ AI để nhận diện biển số xe, cảnh báo đám đông, ngập lụt, cháy, xả rác không đúng nơi quy định, vi phạm đậu, đỗ xe...