Theo đó, diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá trên địa bàn tỉnh tính đến cuối tháng 11 là gần 2.245 ha trong tổng số 7.500 ha, với diện tích nhiễm nặng tỷ lệ 70-80% là gần 1.250 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Đức, Xuyên Mộc.
Ông Trương Phi Hải, ấp Sơn Tân, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức có 5 sào trồng sắn, thế nhưng cả 5 sào của gia đình ông đều bị nhiễm bệnh khảm lá với tỷ lệ 80 - 90%. Cây nhiễm bệnh khiến lượng tinh bột trong củ bị giảm mạnh, thương lái chê không thu mua hoặc mua với giá rẻ. Ông cũng cho biết, diện tích sắn của gia đình ông 5 năm nay liên tiếp bị nhiễm bệnh mặc dù đã thay đổi giống sắn để trồng.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Khánh, ấp Tân Lập, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức có 40 ha đất trồng sắn, ông đang trồng các giống HL-S11 và KM140, KM94 và 13sa05… nhưng nhiều năm liền đều bị nhiễm bệnh khảm lá, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng của củ sắn, khiến gia đình anh tốn rất nhiều chi phí cho thuốc phòng, trừ bệnh nhưng đều không hiệu quả.
Bệnh khảm lá là loại bệnh nguy hiểm trên cây sắn, hiện nay chưa có thuốc bảo vệ thực vật để điều trị, bệnh lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống, bệnh đang gây thiệt hại lớn cho năng suất và chất lượng của cây sắn.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các giống sắn hiện nay nông dân trên địa bàn tỉnh đang sử dụng phổ biến là HL-S11, KM94, KM190, KM419…. Các giống sắn này đều đang bị nhiễm bệnh khảm lá.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã hướng dẫn nông dân cách nhận diện, biện pháp tiêu hủy và phòng chống theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật. Đồng thời, vận động người dân nhổ bỏ, chuyển đổi sang trồng cây trồng khác.
Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã đưa ra khuyến cáo với nông dân cũng như sẽ triển khai quản lý về giống, đó là không trồng giống sắn HL-S11 và HL-S12 nhiễm bệnh cho niên vụ sau, sử dụng các giống KM 94, KM 140 chưa nhiễm bệnh, ưu tiên giống sắn tại các địa phương trong vùng chưa nhiễm bệnh; không mua giống từ các tỉnh, thành đã có diện tích nhiễm bệnh khảm lá virus hại sắn. Đồng thời, nghiêm cấm vận chuyển hom giống sắn từ vùng nhiễm bệnh sang các địa phương khác.
Bên cạnh đó, nhằm giúp nông dân khắc phục tình trạng sử dụng giống sắn bị nhiễm bệnh, thông tin về giống mới có tính kháng bệnh khảm lá, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thực hiện mô hình chuyển giao giống sắn mới kháng bệnh khảm lá trên diện tích 0,5 ha tại hộ dân ông Nguyễn Văn Khánh, tại xã Sơn Bình, huyện Châu Đức. với giống sắn HN3 sạch bệnh và mô hình đối chứng 1 ha trên giống sắn HL-S11 và giống KM94.
Kết quả, sau 6 tháng trồng giống HN3 không nhiễm bệnh khảm lá, khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, các đối tượng dịch hại như bọ phấn, rệp sáp, bệnh đốm lá gây hại không đáng kể. Còn trên giống đối chứng HL-S11, tỷ lệ nhiễm khảm lá lên đến 100% và giống KM94 tỷ lệ nhiễm khảm lá là 65%. Trên cơ sở trồng và đánh giá hiệu quả thực tế đối với giống sắn này, Chi cục sẽ nhân rộng giống này và sẽ dần loại bỏ giống HL-S11 ra khỏi diện trồng của tỉnh.
“Với kết quả từ mô hình trồng thử nghiệm giống sắn HN3, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ sử dụng nguồn giống thu được từ mô hình để nhân rộng cho nông dân trên địa bàn huyện Châu Đức và Xuyên Mộc, đây là 2 địa phương có diện tích trồng sắn nhiều nhất và có diện tích nhiễm khảm lá lớn nhất của tỉnh trồng trong vụ sản xuất tới. Theo lộ trình đến năm 2024, sẽ đủ hom giống để phục vụ sản xuất cho khoảng 8.000 ha sắn toàn tỉnh”, ông Nguyễn Chí Đức thông tin thêm.
Năm 2018, bệnh khảm lá trên cây sắn bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, với giống sắn HL-S11 được nông dân đưa về từ tỉnh Tây Ninh. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh đều ghi nhận khoảng trên 2.000 ha đến khoảng 3.000ha sắn nhiễm bệnh khảm lá, chiếm hơn 40% tổng diện tích trồng khoai mỳ toàn tỉnh.