Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ…
Hội thảo nhằm đánh giá đầy đủ về những thành tựu đã đạt được và làm rõ nguyên nhân, hạn chế, bài học kinh nghiệm. Qua đó đề ra định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới; đồng thời phát huy các giá trị mới, tạo động lực, khí thế mới để tiếp tục xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Thuận giàu đẹp, văn minh.
Tại hội thảo, các đại biểu đều đánh giáo cao sự nỗ lực vượt khó của tỉnh Ninh Thuận trong suốt chặng đường 30 năm tái lập. Trong những năm đầu tái lập, Ninh Thuận gặp vô vàn khó khăn, xuất phát điểm nền kinh tế thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém, cơ cấu kinh tế lạc hậu; thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách thấp. Đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số...
Tuy nhiên, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cũng như các thế hệ lãnh đạo tỉnh luôn đoàn kết, đồng lòng, tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, qua đó đề ra nhiều chủ trương, quyết sách đúng đắn cho từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Giàu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận nhiệm kỳ 2005-2010 chia sẻ, khi được Bộ Chính trị phân công về Ninh Thuận thực hiện nhiệm vụ, lúc đó Ninh Thuận là một trong 10 tỉnh, thành nghèo khó của cả nước. Được Trung ương quan tâm và hỗ trợ, Ninh Thuận đã bắt đầu có động lực phát triển. Ninh Thuận được đầu tư phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng, thủy lợi, giao thông, công trình phúc lợi…
Để Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực và cả nước thời gian tới như mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đặt ra, tỉnh cần nghiên cứu sâu các Nghị quyết của Trung ương để có định hướng phát triển đúng đắn, đặc biệt là chuyên đề Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đưa ra, đó là phát triển đô thị ven biển, phát triển năng lượng tái tạo. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục triển khai Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023.
Bên cạnh đó, tỉnh cần nghiên cứu thêm việc khai thác các lợi thế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; dự báo, kiểm soát tốt dịch COVID-19 để có biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Tỉnh quan tâm chăm lo tốt hơn nữa đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số; tiếp tục củng cố, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đi trước mở đường cho sự phát triển, khai thác hiệu quả tiềm năng, phát huy lợi thế cùng với những nỗ lực, cố gắng và ý chí khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, tỉnh đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, kinh tế của tỉnh luôn giữ được ổn định và phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân 30 năm qua tăng 8,14%/năm; tổng sản phẩm nội tỉnh năm 2021 tăng gấp 69,6 lần so năm 1992; thu ngân sách duy trì ở mức tăng cao, tăng từ 33,3 tỷ đồng năm 1992 lên 4.343 tỷ đồng vào năm 2021, tăng trên 130 lần, bình quân tăng 19%/năm.
Trong 3 năm gần đây, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh thuộc nhóm đứng đầu cả nước (năm 2019 tăng 14,69% đứng thứ 4; năm 2020 tăng 10,02% đứng thứ 4; năm 2021 tăng 9% đứng thứ 4). Đến cuối năm 2021, GRDP bình quân đầu người đạt 68,4 triệu đồng/người, bằng 88,5% trung bình cả nước.
Các khâu đột phá về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch của tỉnh từng bước được phát huy; chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước đạt mục tiêu đề ra và luôn phát huy lợi thế, thế mạnh, năng lực sản xuất tăng nhanh, cung ứng khoảng 30% nhu cầu của cả nước. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đạt kết quả khá tích cực, là động lực bứt phá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Lĩnh vực du lịch có nhiều khởi sắc, lượng khách đến Ninh Thuận hằng năm trung bình khoảng 1,7 - 2,1 triệu lượt, tăng bình quân 20,6%/năm. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân 13,9%/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5-2%/ năm, đến nay còn 4,56%; kinh tế-xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều cải thiện. Các chính sách người có công, an sinh xã hội được chú trọng thực hiện. Các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Ông Trần Quốc Nam chia sẻ, UBND tỉnh rất phấn khởi trước nhận định, đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo về những thành quả tỉnh đạt được cũng như tìm ra hạn chế, yếu kém cùng phân tích để địa phương có giải pháp khắc phục. UBND tỉnh ghi nhận ý kiến đóng góp rất tâm huyết và kế sách hay, sâu sắc tại Hội thảo, qua đó giúp tỉnh xây dựng định hướng và có chiến lược phát triển một cách đúng đắn.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp xác đáng, có giá trị thực tiễn tại hội thảo, UBND tỉnh đề nghị, các sở, ngành, chính quyền địa phương tiếp thu để bổ sung, phát triển thành các đề án hiện thực, giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng tưởng theo chiều sâu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Có thể nói, chặng đường 30 năm chưa phải là dài, song đối với một tỉnh có xuất phát điểm kinh tế thấp như Ninh Thuận những thành quả đã đạt được là rất đáng trân trọng và tự hào. Đó là kết quả của khát vọng vươn lên xuyên suốt trong tư duy và hành động của các thế hệ lãnh đạo tỉnh dám nghĩ, dám làm, dám đột phá đi trước mở đường cùng sự sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó đã tạo thế và lực mới cho sự phát triển của tỉnh đến ngày hôm nay. Đây là tiền đề, cơ sở để tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn mới.