Xã Quang Kim đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới

Xã Quang Kim (Bát Xát, Lào Cai) là xã vùng cao biên giới đầu tiên của tỉnh Lào Cai được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Về xã Quang Kim hôm nay, đâu đâu cũng thấy tươi hồng sắc mới những mái nhà ngói đỏ và tấm lợp xi măng trắng; thẳng dài những con đường bê tông vào tận từng nhà đồng bào Giáy, Dao,

 

100% trẻ em xã Kim Quang trong độ tuổi đi học được đến trường.


Phó Chủ tịch UBND xã Quang Kim, ông Trần Văn Ngọc, chia sẻ: "Giờ thì thở phào nhẹ nhõm rồi. Làm “cái nông thôn mới” như chạy qua mấy cái rừng đại ngàn, thật gian khó và nhọc nhằn. Nhưng vui nhất là Quang Kim từ đói nghèo giờ đã đổi thay, giàu đẹp nhất các xã trên vành đai biên giới Bát Xát. Nhà trên núi cao cũng có điện, có ti vi, xe máy; có nhà mua được “con ngựa sắt bốn bánh” đi nhanh lắm. Nhờ có Đảng và Bác Hồ, người Giáy, người Dao ở Quang Kim đã đổi đời rồi... Thu nhập bình quân trên đầu người của xã đã đạt gần 25 triệu đồng/người/năm. Nhiều hộ có những năm thu hàng tỷ đồng từ việc làm đồi, ao, chuồng. Tỷ lệ hộ nghèo trước khi xây dựng nông thôn mới là 12,84% nay giảm xuống chỉ còn 0,93% ”.


Hiện tại, Quang Kim cũng đã phá thế độc canh cây trồng, vật nuôi truyền thống, thay vào đó là mạnh dạn đưa cây, con giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, dần tạo thành vùng sản xuất hàng hóa như: trồng nấm, lúa lai, ngô lai, đậu tương cao sản và nuôi nhím, lợn rừng, ếch... cho thu nhập kinh tế cao, từng bước xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới đẹp giàu.


Chỉ trong 3 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Quang Kim đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Từ chỗ là địa phương với cơ sở hạ tầng thấp kém, thiếu đồng bộ, chủ yếu được đầu tư từ Chương trình 135, đến nay 100% đường liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa và trải nhựa; 100% thôn có đầy đủ cơ sở vật chất về văn hóa, với tổng kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng. Ðến Quang Kim hôm nay, dễ nhận thấy sự đổi thay từ đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp đến những công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa kiên cố, mới được xây dựng.


Điều đáng quý là mỗi cây số đường, mỗi công trình xây dựng nông thôn mới nơi đây đều có sự chung tay đóng góp của người dân. Nói như Chủ tịch xã Quang Kim, ông Trần Quốc Huy: “Sau 3 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có hàng chục công trình “ý Đảng lòng dân” được thực hiện và khắc ghi, tạo nên một vùng nông thôn miền núi biên giới tươi hồng sắc mới, xứng đáng là “lá chắn thép” nơi biên cương của Tổ quốc”. Những gương sáng trong việc hiến đất có thể kể đến như ông Hù A Lù đã hiến 1.575 m2 đất vườn để xây dựng khu nuôi nhốt gia súc tập trung thôn Làng San 1, ông Lò Văn Phát hiến 400 m2 đất vườn để làm đường giao thông liên thôn, ông Lỳ Văn Trang hiến 560 m2 đất vườn để xây dựng phân hiệu trường mầm non thôn Vỹ Kẽm, ông Trần Quốc Tịch hiến 600 m2 đất ruộng để xây dựng chợ nông thôn xã...


Theo Bí thư Đảng ủy xã Quang Kim, ông Nguyễn Văn Tài: Ngay từ những ngày đầu thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, nhân dân các dân tộc xã Quang Kim đã đồng tình hưởng ứng, tin tưởng vào đường lối, chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân đã đồng lòng ra sức thi đua sản xuất phát triển kinh tế, quyết tâm xây dựng quê hương đẹp giàu từ chính tấc đất của mình.


Bài và ảnh: Nguyễn Thắng

Ý nghĩa lễ cấp sắc dân tộc Dao Tuyên Quang
Ý nghĩa lễ cấp sắc dân tộc Dao Tuyên Quang

Cấp sắc là một nghi thức tôn giáo tín ngưỡng đặc trưng của dân tộc Dao ở Tuyên Quang. Dù ở bất cứ ngành Dao nào, người đàn ông Dao đều trải qua lễ cấp sắc, một nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành cũng như sự thừa nhận của cộng đồng về người được cấp sắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN