Vươn mãi nhé... Cha Lo

“Ơi Cha Lo! Hỡi Cha Lo! Nơi rừng núi miền Tây Tổ quốc, bừng sáng lung linh một vì sao...”. Lời bài hát "Đêm Cha Lo" của nhạc sỹ Phạm Tuyên được Thiếu úy Nguyễn Tiến Hợp, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, vặn to volume như một lời mời gọi ngọt ngào. Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo giờ đây nhộn nhịp những chuyến xe qua, bản làng Cha Lo khoác lên mình một màu áo mới…

 

Đêm trên đỉnh “Giăng màn”


Từ thành phố Đồng Hới, dọc theo quốc lộ 12A trải dài vắt vẻo, men theo dãy Trường Sơn hùng vĩ khoảng 60 km, chiếc xe u-oát đưa chúng tôi chạm ngã ba Khe Ve lịch sử. Từ đây, ngược lên chừng 50 m là đến Cha Lo. Vậy là thỏa khát khao một lần đến với Cha Lo trong tôi.


 

Lực lượng Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đang kiểm tra an ninh.

 

Cha Lo đón chúng tôi với cái nắng chiều dịu nhẹ và thứ hương thơm đặc trưng núi rừng. Nghe tin chúng tôi đến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cha Lo, Thượng tá Phan Thanh Tâm ra đón từ cổng. Sau cái bắt tay thân mật và những câu chuyện vui bên ấm trà nóng, anh dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh đơn vị.


“Đây là Sở chỉ huy đặt cạnh nhà khách, đây là khu nhà ăn, kia là khu anh em chiến sĩ ở. Còn đây là vườn tăng gia sản xuất của đơn vị, có đủ các loại rau củ quả, có đàn lợn rừng hơn 100 con, 2 con cá sấu, gần 30 con thỏ, ngựa, bò. Phía sau lưng đồn là vườn chuối, với những buồng nặng trĩu quả…”. Vừa đi anh Tâm vừa giới thiệu với chúng tôi quang cảnh cũng như vị trí phân bố của đơn vị. Nhìn anh cứ như là một hướng dẫn viên du lịch.


Thăm thú xong, trời cũng bắt đầu nhá nhem tối, tôi xuống bếp xem có phụ giúp anh em hậu cần được việc gì không. Con cá chình to bắt từ dòng suối Y Leng mát lành, dưới bàn tay nội trợ khéo léo của các anh nuôi trông thật ngon mắt làm sao. Hòa cùng niềm vui của các anh, tôi như quên đi cái mệt sau chặng đường dài.


 

Bình minh trên Cha Lo.

 

Cơm nước xong, chúng tôi quây quần bên nhau, tôi cùng đàn hát, ca vang bài hát “Đêm Cha Lo” trong ánh lửa bập bùng. Tôi được nghe các anh tâm sự về chuyện đời, chuyện người, chuyện gia đình. “Chiến sĩ biên phòng Cha Lo không những cầm chắc tay súng, mà còn hát rất hay, đàn rất giỏi”. Đại úy Hoàng Trọng Trình, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo tự hào “khoe” với chúng tôi. Tiếng đàn của các anh vút cao, vang vọng vào tận sâu trong dãy Trường Sơn hùng vĩ.


Đêm giao lưu văn nghệ xen lẫn những lời tâm sự cứ như thế kéo dài bất tận. Nhưng có một điều lạ là tôi không hề nghe ai kể về những khó khăn, hiểm nguy mà các anh phải đối diện khi về công tác tại đây. Bởi tôi biết, Cha Lo là một địa bàn vô cùng nguy hiểm, là một trong những điểm nóng về ma túy của cả nước. Tội phạm ở đây rất liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng mỗi khi bị phát hiện. Khi tôi thắc mắc, đại úy Trình nhìn tôi cười: “Đấy là nhiệm vụ đương nhiên của anh em chúng tôi rồi. Có gì đáng nói đâu. Anh em ở đây chỉ có xa nhà, nhớ vợ, thương con, “khát” người yêu là thấy khổ thôi”. Gần 30 anh em chiến sĩ vỗ tay cười to.


Đêm trên đỉnh Giăng Màn, mù sương, gió vẫn hun hút thổi. Ánh trăng hắt xuống đủ để nhìn thấy một màu bàng bạc bao phủ dày đặc dưới chân núi. Đêm ấy chúng tôi ngồi bên nhau, không ánh điện, không trống nhạc rộn ràng. Chỉ với một chiếc đàn ghi ta, nhưng tiếng hát vẫn cất lên say sưa ấm cả đại ngàn... Ngồi bên các anh, lòng tôi cũng ấm hơn.

 

Cha Lo không còn… lo


Đêm Cha Lo, tôi được các anh kể cho nghe về những tên đất, tên làng đã đi vào huyền thoại. Địa bàn các anh quản lý gồm 20,5 km đường biên, với 13 bản vùng cao thuộc xã Dân Hóa. Là nơi sinh sống của đồng bào Khùa, Mày, Sách và Kinh. Trước đây, Cha Lo được xem là “chốn rừng thiêng nước độc”, chỉ nhắc đến thôi ai cũng thấy rùng mình. Cuộc sống dân bản dường như tách biệt với thế giới bên ngoài. Không điện, không đường, không trường trạm. Các bản người Khùa, người Mày nằm cheo leo lưng chừng núi và trong rừng sâu.


Giờ đây, Cha Lo đã khác xưa nhiều rồi! Cha Lo đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Thượng tá Đặng Xuân Thịnh, Chính trị viên đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo tự hào kể với chúng tôi: “Dân bản ở Cha Lo “đổi đời” kể từ khi cửa khẩu quốc tế Cha Lo đi vào hoạt động. Bà con nay bám làng, bám bản an cư lạc nghiệp. Nhờ chương trình 134, 135, dự án 30a của Chính phủ, bà con dân bản được sống trong những ngôi nhà mới khang trang, vững chãi. Hệ thống cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư xây mới. Con em dân bản được đến trường, hệ thống lưới điện quốc gia, trạm y tế về tận bản”. Cửa khẩu quốc thế Cha Lo nhộn nhịp xe tải, xe khách mang biển số của cả ba nước Việt Nam, Lào, Thái Lan với đủ các loại hàng hóa nối đuôi nhau hối hả ngược xuôi.


Theo Trạm trưởng Trình, chỉ cách đây 3 năm thôi, công việc chủ yếu của các chiến sĩ đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo là làm thủ tục cho các chuyến xe gỗ nhập khẩu theo diện trao đổi hàng hóa. Nhưng nay, hàng hóa qua cửa khẩu đa dạng hơn rất nhiều, với các mặt hàng như: Nông sản, hàng tiêu dùng, may mặc từ Việt Nam xuất khẩu sang Lào, Thái Lan. Lượng khách quốc tế nhập cảnh qua cửa khẩu Cha Lo cũng tăng lên đến hàng nghìn người. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng đối với Cha Lo.


Đến với Cha Lo hôm nay, tôi cảm nhận rõ sự phát triển mạnh mẽ từng ngày. Dù thế hệ chúng tôi sinh ra may mắn không phải chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh. Nhưng qua lời kể của các anh, qua sách báo, tôi cũng có thể hình dung ra có một “trận địa lửa” đã từng diễn ra nơi đây. Chiến tranh đi qua, giờ đây cây cối đã mọc lên xanh tốt, phủ một màu xanh bạt ngàn. Cuộc sống bà con dân bản đã sang trang, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe ngược xuôi giao thương nơi cửa khẩu, hứa hẹn một tương lai xán lạn trong nay mai. Sẽ vươn mãi nhé… Cha Lo!


Bài và ảnh: Bùi Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN