Trí thức trẻ người Dao tiên phong sản xuất nông nghiệp bền vững

Sau khi tốt nghiệp, nhiều trí thức trẻ người Dao ở thôn 3, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk trở về quê hương thành lập Hợp tác xã, liên kết sản xuất cà phê, hồ tiêu theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh được thành lập với 27 xã viên là người Dao, trong đó có 17 người có bằng đại học, cao đẳng...

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh chính thức hoạt động tháng 8/2016 với 27 thành viên là người Dao, trong đó có 17 người có bằng đại học, cao đẳng các chuyên ngành sư phạm, quản trị kinh doanh, kinh tế… Hợp tác xã do chị Triệu Thị Châu (sinh năm 1987) tốt nghiệp Cử nhân Sinh học Đại học Tây Nguyên khởi xướng thành lập.

Trước đây, người dân thôn 3, xã Cư Suê sản xuất cà phê, hồ tiêu theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, do vậy năng suất, sản lượng không cao. Là cán bộ khuyến nông, năm 2014, chị Châu được cử tham gia lớp tập huấn của Dự án EDE (sản xuất cà phê bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; các biện pháp nâng cao năng suất sản lượng các loại cây trồng trên một diện tích). Từ những kiến thức thu thập được, chị Châu đã vận động các thanh niên trí thức trong xã cùng thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh.

Với quyết tâm xây dựng mô hình Hợp tác xã mới, hiệu quả, tránh kiểu “bình mới rượu cũ”, ban đầu, mỗi người tham gia Hợp tác xã được Ban Chủ nhiệm cử đi tập huấn kiến thức sản xuất nông nghiệp bền vững, tham gia các lớp khuyến nông, tham quan kinh nghiệm làm nông nghiệp tại Viện Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Các trí thức trẻ trong Hợp tác xã còn kiêm nhiệm vụ hướng dẫn người dân lắp đặt hệ thống ống tưới nước tiết kiệm, bón phân hữu cơ, vận động các thành viên tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong vườn cây.

Từ những vườn cà phê, hồ tiêu nhỏ lẻ, năng suất thấp, người dân tự mày mò trồng chăm sóc, đến nay sau hơn 1 năm, Hợp tác xã có 108 ha cà phê  xen hồ tiêu. Niên vụ 2016 - 2017, Hợp tác xã sản xuất được 238 tấn cà phê, 250 tấn hồ tiêu, 500 tấn sầu riêng, 250 tấn bơ. Nhiều vườn tiêu trước đây đồng bào sản xuất theo kiểu “phó mặc cho trời”, năng suất thấp chỉ từ 1,5 - 2 tấn/ha đến nay đã nâng cao lên 2,5 -3 tấn/ha. Sản phẩm hồ tiêu của Hợp tác xã được Công ty Haprosimex JSC hỗ trợ thu mua với giá cao hơn thị trường từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg. Toàn bộ sản phẩm cà phê của nông dân trong Hợp tác xã sau khi thu hoạch được phơi sấy, bao tiêu thu mua, xuất bán ra thị trường.

Vườn hồ tiêu sạch không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh.

Những năm gần đây, khí hậu tại Tây Nguyên thất thường khiến cho việc sản xuất, sơ chế, bảo quản cà phê của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân đã lựa chọn đầu tư lò sấy nhưng đốt bằng than củi gây ô nhiễm môi trường. Cuối năm 2016, các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh đã đóng góp 660 triệu đồng đầu tư hệ thống lò sấy - đốt biochar để chủ động sơ chế cà phê cho các xã viên khi gặp thời tiết bất lợi. Chị Triệu Thị Châu, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh cho biết, niên vụ 2016 - 2017, lò sấy - đốt của Hợp tác xã đã sấy được 33 mẻ cà phê, mỗi mẻ 3,9 tấn cà phê tươi. Chất đốt từ lò sấy (vỏ cà phê) được tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Cà phê sau khi thu hoạch được sơ chế bằng lò sấy công nghệ cao, chất lượng cà phê nhân được đảm bảo hơn. Đặc biệt lò sấy không gây ô nhiễm môi trường.

Chị Triệu Thị Thúy, thành viên Hợp tác xã chia sẻ, trước đây, sau khi thu hái cà phê, quá trình sơ chế ban đầu phải mất hơn nửa tháng. Thời tiết mưa nhiều, việc phơi sấy cà phê không thuận lợi. Từ khi có lò sấy cà phê của Hợp tác xã, đến vụ cà phê, các thành viên đều yên tâm vì cà phê của gia đình được sấy khô một lần, không tốn nhiều thời gian cho việc sơ chế, bảo quản.

Từ chỗ chỉ liên kết sản xuất cà phê, hồ tiêu, trồng cây ăn quả, hiện nay, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh còn mở rộng thêm dịch vụ sấy cà phê, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu mua sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch sinh thái thăm quan các vườn cà phê, hồ tiêu sạch…Nhờ liên kết sản xuất cà phê, hồ tiêu theo hướng bền vững, đời sống các thành viên Hợp tác xã không ngừng được nâng cao. Hiện nay, thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình đạt từ 200 đến 400 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đã sắm được ô tô và các phương tiện làm nông nghiệp.

Chủ tịch UBND xã Cư Suê, huyện Cư M’gar Đặng Văn Hoan đánh giá, tuy mới thành lập, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh với “nòng cốt” là các tri thức trẻ, con em đồng bào dân tộc địa phương, đã tiên phong trong sản xuất nông nghiệp bền vững, từng bước thay đổi tập quán, canh tác của đồng bào. Điều đáng mừng nữa là bà con đã tạo ra được sản phẩm nông nghiệp sạch, quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là định hướng phát triển sản xuất của địa phương trong tương lai.

Bài và ảnh: Phạm Cường (TTXVN)
Tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác xã phát triển
Tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác xã phát triển

Sáng 8/8, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Dự án phát triển hợp tác xã tại Việt Nam (VCED) tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo sơ kết triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN