Rất cần tiếp tục cấp phát báo miễn phí cho đồng bào

Như nhiều chương trình dự án chăm lo đời sống vật chất, phát triển cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi, việc cấp phát báo theo Quyết định 2472 và 1977 của Chính phủ đã đem lại những hiệu quả thiết thực.

Người dân hưởng lợi từ việc đọc Báo Tin Tức theo quyết định 2472.

Song song với các chương trình dự án chăm lo đời sống vật chất, phát triển cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), việc triển khai Quyết định 2472 và 1977 của Chính phủ về cấp phát báo đến vùng đồng bào và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012- 2015 đã đem lại hiệu quả tinh thần thiết thực; bồi dưỡng tư tưởng, nâng cao nhận thức của đồng bào, từ đó làm thay đổi tư duy trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nếp sống mới...

Đồng thời, chính sách này cũng là công cụ để đồng bào hiểu biết về các chương trình, chính sách, dự án đã và đang được triển khai ở nơi mình sống, để cùng tham gia thực hiện.

Đó là đánh giá của Ủy ban Dân tộc và đại biểu các bộ, ngành trong “Hội nghị Tổng kết thực hiện Quyết định 2472 và 1977”, diễn ra ngày 22/1, tại Hà Nội, do Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải chủ trì.

* Cầu nối thông tin, định hướng tư tưởng

Đánh giá về tầm quan trọng của báo chí thực hiện Quyết định 2472 và 1977, các đại biểu tham gia hội nghị đều khẳng định: Với ưu điểm và thế mạnh của báo chí, ngoài việc chuyển tải kịp thời thông tin đến đồng bào vùng DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn; các báo, tạp chí còn là cẩm nang không thể thiếu giúp cho cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và bộ đội biên phòng làm tài liệu tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thông tin được cung cấp bởi 24 báo, tạp chí tham gia chương trình này đa dạng về nhiều mặt, phổ biến kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng; góp phần định hướng tư tưởng cho đồng bào DTTS dân trí còn thấp, dễ bị tác động bởi những thông tin sai lệch hoặc lôi kéo bởi các phần tử xấu; góp phần củng cố an ninh quốc phòng vùng dân tộc miền núi.

Đồng thời, nhiều tin, bài, ảnh được đăng trên các ấn phẩm, tạp chí là bộ tài liệu hướng dẫn, tập huấn, phổ biến kỹ thuật, phát triển sản xuất, chăm sóc sức khỏe nhân dân; phản ảnh sinh động đời sống xã hội, văn hóa của đồng bào các dân tộc Việt Nam; kịp thời chuyển tải ý kiến, nguyện vọng của đồng bào lên chính quyền, thực sự là cầu nối thông tin hữu hiệu và vững chắc giữa người dân với các cấp chính quyền…

Hầu hết các báo, tạp chí thực hiện Quyết định này đều dành nhiều công sức, bố trí nhân lực, vật lực để thực hiện có hiệu quả, nâng cao chất lượng thông tin phục vụ các đối tượng thụ hưởng; dành thời lượng, chuyên trang, chuyên đề… riêng chuyên thông tin, hình ảnh về vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Mỗi báo mang một sắc màu thông tin riêng, tạo thành một sức mạnh thông tin tổng hợp về mọi mặt. Riêng báo Tin Tức, TTXVN đã thực hiện tục 6 chuyên trang DTMN/tuần trên các số báo ra hàng ngày với nhiều chuyên mục thiết thực như Chính sách và đời sống, Kinh nghiệm làm ăn, Gương sáng soi chung… cung cấp cập nhật thông tin mọi mặt về vùng DTMN, đặc biệt là việc phổ biến chính sách, phản biện chính sách, được các đối tượng thụ hưởng đánh giá cao về hiệu quả thông tin… Báo Tin tức Cuối tuần và baotintuc.vn cũng đăng tải nhiều tin, bài, ảnh chất lượng về chủ đề thông tin này.

“Hiệu quả của việc tuyên truyền đến đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn đã rõ. Điều này thể hiện ở việc cấp phát báo đúng đối tượng thời gian đã giúp cán bộ xã và người dân tiếp cận, hiểu biết được kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tiếp thu nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, bảo tồn bản sắc đặc trưng của từng dân tộc”, ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đánh giá.

Nhất trí cao với các ý kiến đánh giá về hiệu quả thông tin, tuyên truyền của các báo, tạp chí thực hiện theo quyết định 2472 và 1977 của Chính phủ, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải một lần nữa khẳng định: “Báo chí đối với bà con DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn vẫn là nhu cầu rất lớn, nhất là đối với các thôn, bản vùng lõm mà báo nói và báo hình, điện tử và phát thanh chưa thể đến được. Quyết định 2472 và 1977 thực sự là chính sách trụ cột chăm lo về đời sống tinh thần của đồng bào trong thời gian qua”.

Tuy nhiên, các ý kiến trong Hội nghị cũng đã nhìn nhận thẳng thắn về những tồn tại trong công tác thông tin tuyên truyền của các báo, tạp chí tham gia quyết định này. Đó là việc phản ánh dư luận, đấu tranh với tiêu cực, cái xấu của báo chí chưa mạnh mẽ; đặc biệt là trong việc phản biện chính sách đang triển khai ở vùng DTTS &MN, vùng đặc biệt khó khăn chưa nhiều, chưa thực sự sắc bén…

Mặt khác, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của thông tin báo chí thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu cũng cho rằng, cần đẩy mạnh công tác phát hành.

* Rất cần tiếp tục cấp phát báo miễn phí cho đồng bào


Các ý kiến trong Hội nghị đều thống nhất cao và cho rằng, trước những hiệu quả về mặt tư tưởng, tinh thần và ý nghĩa thiết thực góp phần thay đổi đời sống xã hội, củng cố an ninh quốc phòng… đối với các vùng được thụ hưởng cấp phát báo miễn phí theo QĐ 2472 và 1977 thì việc tiếp tục cấp phát báo miễn phí đến đồng bào là hết sức cần thiết trong thời gian tới; trì hoãn thời gian nào thì bà con “thiếu thốn món ăn tinh thần bổ ích thời gian đó”.

Phó Tổng biên tập Báo Dân trí, ông Nguyễn Lương Phán cho rằng, cần có một chiến lược rõ ràng chứ không như hiện nay chính sách chỉ mang tính nhiệm kỳ, nếu tiếp tục thực hiện lại phải chờ duyệt giai đoạn tiếp theo. “Thông tin và người tiếp nhận thông tin mang tính liên tục, nhưng hiện nay các báo, tạp chí thực hiện Quyết định đều đã dừng phát hành, đồng nghĩa với việc vùng DTTS&MN bị gián đoạn về thông tin”, ông Phán nêu vấn đề.

Chia sẻ vấn đề trên, Tổng biên tập báo Lao động Xã hội, ông Nguyễn Thanh Phong và lãnh đạo các báo, tạp chí kiến nghị, UBDT đề xuất gấp đến Chính phủ ban hành cơ chế để các báo, tạp chí tiếp tục cung cấp thông tin đến vùng DTTS&MN.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải khẳng định, UBDT với trách nhiệm của mình đã, đang và sẽ làm hết sức có thể, cùng với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ về việc tiếp tục ban hành chính sách cấp phát báo miễn phí đến vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng ĐBKK trong thời gian tới bởi đây là “một chính sách trụ cột chăm lo đời sống tinh thần không thể thiếu với bà con”, ông Hải một lần nữa nhấn mạnh.

* Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang:

"Tuyên Quang đã triển khai thực hiện hiệu quả chính sách của Nhà nước trên mọi lĩnh vực; chính sách hỗ trợ đã đến tận từng hộ gia đình; cơ sở vật chất ở các bản làng được đầu tư đồng bộ, đồng bào phấn khởi cùng chính quyền tham gia thực hiện chính sách, nhờ đó cuộc sống của bà con đã dần ổn định.

Thành quả ấy là nhờ một phần đóng góp không nhỏ bởi thông tin tuyên truyền, cổ vũ, động viên của các báo, tạp chí thực hiện Quyết định 2472 và 1977 của Chính phủ. Báo chí thực sự đã góp phần rút ngắn con đường thoát nghèo cho đồng bào.

Chúng tôi mong rằng báo chí tiếp tục vào cuộc để giúp đồng bào các dân tộc ở khắp các tỉnh thành nói chung và tỉnh Tuyên Quang nói riêng thực hiện các mục tiêu trong giai đoạn mới như phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực; khai thác tiềm năng để phát triển du lịch; đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản…”.


* Ông Mai Ngọc Hướng, Phó Trưởng Ban dân tộc tỉnh Hà Giang:

Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã nhận và phát đến tay nhân dân hàng triệu tờ báo các loại. Nội dung của các báo, tạp chí ngày càng đa dạng, phong phú, có nhiều bài viết chuyên sâu phản ánh đậm về tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như cổ vũ, hướng dẫn đồng bào trong việc thực hiện các chính sách của Đảng và nhà nước; những nét đẹp văn hóa của từng vùng, từng dân tộc ở tỉnh cũng nhờ có báo chí tuyên truyền mà được lan tỏa rộng rãi không chỉ trong nước, mà còn ra cả thế giới, để thế giới biết đến những cánh đồng hoa tam giác mạch, ruộng bậc thang...

Các báo, tạp chí còn đăng tải những gương điển hình tiên tiến, mô hình kinh tế xóa đói giảm nghèo để đồng bào ở Hà Giang vận dụng học tập. Qua đó, gần đây ở Hà Giang đã xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình làm kinh tế giỏi.

Một trong những cá nhân tiêu biểu đưa kinh tế gia đình đi lên nhờ thường xuyên đọc báo là trưởng thôn Giàng Mí Lùng, ở thôn Ha Cá, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Chỉ trong vòng 3 năm sau khi rời quân ngũ, chàng thanh niên gần 30 tuổi đã có trong tay hàng chục ha cây ăn quả các loại, vài chục con bò và đàn dê hàng trăm con… cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.


Bài và ảnh: Trọng Thủy
Báo chí rút ngắn con đường thoát nghèo
Báo chí rút ngắn con đường thoát nghèo

Sau hơn 4 năm thực hiện Quyết định 2472 và 1977/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp báo viết, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, đã có 24 báo, tạp chí tham gia thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN