Niềm tự hào của người dân bản Mà

Năm nay đã ngoài 65 tuổi, nhưng Bí thư Chi bộ Lương Xuân Thuyết vẫn toát lên vẻ rắn rỏi, tinh anh, hồn hậu. Người dân bản Mà khu tái định cư Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An) thường nhắc đến ông với sự kính trọng, nể phục và tin yêu. Ông không chỉ là Bí thư Chi bộ gương mẫu, mà còn là một điển hình làm kinh tế giỏi.

Từ những ngày đầu cùng với người dân bản Mà rời quê cũ Kim Tiến, huyện Tương Dương, về lập nghiệp ở quê mới là Khu tái định cư Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, ông Thuyết đã tỏ rõ quyết tâm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới. Ban đầu ông gặp không ít khó khăn vì chưa quen với phong tục tập quán, nếp sống nơi quê mới, nhưng là Bí thư Chi bộ, ông luôn tâm niệm: “Mình là đảng viên phải làm tốt thì bà con mới tin và nghe theo”. Nói là làm, ông bắt tay vào đào ao, thả cá, trồng keo, trồng xoan, trồng lúa nước, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Không những thế, ông còn mạnh dạn đầu tư nuôi ba ba và ếch thương phẩm, một mô hình còn khá mới mẻ và lạ lẫm so với người dân miền núi. Nhờ đức tính chăm chỉ, cần cù, siêng năng lao động, cộng với sự tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, đến nay vợ chồng ông đã có một mô hình kinh tế gồm 500 con ếch, 50 con ba ba, 5.600 gốc keo, 32 gốc xoan, 4.300 m2 ao cá, 4 con lợn, 4 con trâu, vài chục gốc chuối… cho thu nhập mỗi năm vài chục triệu đồng trở lên. Riêng ếch mỗi năm cũng đã cho thu nhập xấp xỉ 20 triệu đồng.

Ông Lương Xuân Thuyết làm giàu nhờ mô hình nuôi ếch và ba ba.


Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình, từ những kiến thức học được qua những lần tập huấn khuyến nông, khuyến lâm và kinh nghiệm tích lũy, vợ chồng ông còn nhiệt tình hướng dẫn, chỉ bảo bà con dân bản cách làm ăn mới, từ bỏ dần thói quen sản xuất “phát, đốt, cốt, trỉa” trước kia. Từ nguồn vốn cho vay lãi suất thấp của Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Thuyết cùng với chi bộ và Trưởng bản Lô Văn Tân đã tích cực vận động 50 lượt hộ vay vốn phát triển kinh tế trang trại, thuê máy móc làm rẫy, trồng chè, mua trâu, bò, chăn nuôi lợn… Đến nay, người dân bản Mà đã trồng được 3.690 ha diện tích lúa nước, 33,6 ha keo, xoan dâu, bạch đàn, 110,5 ha sắn. Về chăn nuôi, tổng đàn trâu 171 con, đàn bò 66 con, đàn lợn 121 con, gia cầm 1.600 con, 34 ao cá với tổng diện tích 1.600 con. Đời sống của 154 hộ dân Thái, Kinh, Khơ Mú từng bước đi vào ổn định. Toàn bản có hơn 10 hộ làm dịch vụ, ngoài ra còn có nhiều mô hình kinh tế khá như xưởng gỗ của anh Vi Văn Quế, Vi Văn Hoành, xe ô tô khách dịch vụ của anh Kha Văn Cảnh, mô hình ruộng nước của anh Lương Văn Du, mô hình trang trại tổng hợp trồng sắn, keo, chăn nuôi gia súc kết hợp đào ao thả của anh Lương Văn May…

Bên cạnh việc chú ý phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất của bà con, Bí thư Chi bộ Lương Xuân Thuyết còn quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ Đảng và các tổ chức đoàn thể. Chi bộ Đảng của bản Mà hiện có 29 đảng viên, một con số khá lớn so với 13 bản tái định cư còn lại của xã Ngọc Lâm. Toàn bản hiện cũng có 13 sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh…

Sự khởi sắc của bản Mà trên quê mới hôm nay có một phần đóng góp không nhỏ của Bí thư Chi bộ Lương Xuân Thuyết. Nhưng mỗi khi nhắc đến, ông chỉ cười khiêm tốn: “Bản Mà theo tiếng Thái có nghĩa là phù sa. Bà con đã cùng chung sức, chung lòng làm cho bản ta ngày càng giàu đẹp, cuộc sống dân bản ta ngày càng ấm no lên thôi…”.

Bài và ảnh: Bích Huệ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN