Những “pho cổ tích sống”bên dòng Nậm Luông

Từ thị trấn Phố Ràng ( Bảo Yên- Lào Cai), dọc theo quốc lộ 279 theo hướng đông bắc, chúng tôi đến được các xã Xuân Hòa, Vĩnh Yên, Nghĩa Đô của huyện Bảo Yên. Những nếp nhà sàn nằm chon von bên bờ suối Nậm Luông từ bao đời nay là biểu tượng cho sự bình yên của cuộc sống nơi đây. Đó là 3 xã được coi là địa bàn của miền đất giàu giá trị văn hóa dân gian. Những phong tục tập quán của đồng bào nơi đây được lưu truyền từ đời này sang đời khác và cho đến hôm nay. Trong hành trình lưu truyền ấy, những người già của bản Dao, bản Tày đang ngày đêm miệt mài ghi chép, tìm tòi những phong tục tập quán của cha ông bao đời nay để lại, giúp cho nó không bị mai một đi. Những người già nơi đây được coi là những “pho cổ tích sống”, những “ truyền nhân” của bản làng.

Người dân bản Tày bên dòng suối Nậm Luông.

Dòng suối trong mát chảy từ đầu nguồn Tân Tiến xuyên qua Nghĩa Đô, đến Vĩnh Yên rồi chảy xuống xã Xuân Hòa. Người dân bản Tày nơi đây vẫn gọi dòng suối ấy là dòng Nậm Luông. Không biết từ đời nào dòng suối ấy mang cái tên gần gũi như thế. Chỉ biết rằng, từ bao đời nay, dòng Nậm Luông ngày đêm uốn mình thao thức, là chứng nhân của những kho tàng văn hóa dân gian của đồng bào nơi đây.

Hiếm có một vùng quê nào lại giàu truyền thống văn hóa đến vậy. Đó là vốn văn hóa được hình thành ngay trong lòng người dân bản địa. Những yếu tố văn hóa dân gian được người dân các xã lưu giữ và truyền tụng. Trong hành trình ấy, những “cây đa cổ thụ” của bản, làng đã và đang giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Họ sẽ là những người ghi chép, truyền đạt lại cho cháu con những vốn văn hóa rất riêng, rất độc đáo của người bản mình.

Nghệ nhân Ma Thanh Sợi (dân tộc Tày) là Hội viên Hội Người cao tuổi xã Nghĩa Đô, một lão thành cách mạng giờ đã gần 80 tuổi cho biết: “ Chúng tôi rất lo lắng vì nếu một ngày kia thế hệ già chết đi thì sẽ mang theo cả “ kho báu” của người Tày xuống lòng đất. Và thế là cháu con chẳng biết gì hết về văn hóa của mình”. Đó chính là động lực để ông Sợi hy sinh cả lợi ích riêng tư, thời gian và công việc gia đình để ngày đêm ghi chép theo trí nhớ của mình về những nét văn hóa mà Nghĩa Đô có được. Ông Sợi cho biết, suốt những năm qua, ông đã lục tìm lại trong trí nhớ của mình rồi nhờ con cái đánh máy lại được hàng ngàn câu tục ngữ, những câu chuyện cổ của người Tày, hơn 300 lời hát ru chính gốc của người bản địa. Ông còn tìm ra sự độc đáo của câu nói Tày Nghĩa Đô mà không nơi nào có được. Ông cũng cho biết, sự giàu có của văn hóa người Tày còn được thể hiện ở văn hóa ẩm thực, văn hóa chế tạo vật dụng trong nhà… Cứ như thế, ông Sợi đã miệt mài ghi chép lại.

Nghệ nhân Ma Thanh Sợi cùng cuốn “ Tuyển tập văn hóa dân gian Nghĩa Đô”.


Đồng hành với ông Ma Thanh Sợi, bà Hoàng Thị Than (dân tộc Tày) đã bước vào tuổi 78 nhưng vẫn kiên trì lưu giữ những bài thuốc dân gian cứu người. Ở cái tuổi đáng ra đã được nghỉ ngơi dưỡng già, vậy mà, cứ ngày qua ngày, bà lại "tay dao, tay thuổng" trèo đèo, lội suối, vào rừng sâu để tìm lá thuốc. “Làm nghề này vất vả lắm cháu ạ! nhưng lại vui vì cứu một người hơn xây bảy toà tháp mà”, bà Than nói với vẻ lạc quan. Điều tuyệt vời ở bà Than là những vị thuốc mà bà kiếm được đều lấy ở rừng. Bí quyết ấy được bà lưu giữ đã hơn 40 năm nay. Bà Than tâm sự: “ Tôi mong một ngày nào đó không xa sẽ truyền lại cho con cháu mình bí quyết làm thuốc này”.

Bà Hoàng Thị Than đang chế thuốc.


Đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, bà Hoàng Thị Cứ ở xã Vĩnh Yên, một nghệ nhân người dân tộc Tày lại lưu giữ những làn điệu hát then ngay từ khi bà còn nhỏ. Hằng ngày, bà lặn lội đến các bản để tìm lại những câu hát then của người bản Tày rồi ghi chép rất tỉ mỉ, sau đó tập hợp các cô gái trong các bản để dạy hát then. Giờ đây, những làn điệu hát then cổ của người Tày Vĩnh Yên và Nghĩa Đô vẫn còn được lưu giữ và đang được thế hệ trẻ tiếp nhận một cách tự nhiên. Bà Cứ tâm sự: “ Đã sinh ra trên quê hương của hát then thì phải có trách nhiệm lưu truyền nó, đừng để nó bị mai một”. Qua bà Cứ, chúng tôi cũng biết rằng bà đã và đang vận động các hội viên trong Hội Người cao tuổi của xã và trong các bản phong trào ghi chép, lưu truyền văn hóa truyền thống của bản.

Bà Hoàng Thị Cứ bên cây đàn tính.


Là một thầy mo, thầy cúng, nhưng ông Triệu Văn Quẩy (dân tộc Dao) ở xã Xuân Hòa nay đã bước vào tuổi 80, không dùng những bài cúng để lợi dụng mê tín dị đoan mà ông đang ngày đêm lưu giữ, truyền tụng lại những giá trị nhân văn của những bài cúng. Ông Quẩy cho biết: “Người Dao có rất nhiều bài cúng nhưng tiếc thay hiện nay chỉ những người già biết mà thôi”. Đó cũng là điều thôi thúc ông trong nhiều năm qua đi tìm lại những bài cúng cổ của thầy mo. Hiện nay, ông đã sưu tầm được khá nhiều những bài cúng như thế.

Cứ như thế, ở những bản Dao, bản Tày, bản Mông, không chỉ có riêng ông Sợi, bà Than, ông Quẩy mà còn nhiều những tấm gương người già khác đã và đang ngày đêm tìm lại kho báu văn hóa dân gian của người bản mình. Điều tâm niệm của họ là không phải tìm lại những giá trị ấy để làm giàu cho bản thân hay gia đình mình mà điều cao cả hơn, đó là giữ lại và lưu truyền những giá trị mà người Mông, người Dao, người Tày đã có được trong bao thế kỉ qua.

Bình yên bản Tày Nghĩa Đô.


Đến Bảo Yên hôm nay, một miền đất có nhiều điểm hẹn du lịch, đi sâu vào những làng bản, du khách có thể nghe văng vẳng đâu đó những làn điệu hát then, thưởng thức những món ăn độc đáo của người dân. Đó là quà tặng vô giá mà những người già nơi đây ban tặng cho hôm nay và mai sau. Giống như những ngụm nước mát lành của dòng Nậm Luông muôn đời chảy mãi.

Nguyễn Thế Lượng 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN