Người Mảng Lai Châu già đi vì hủ tục - Kỳ 2: Hôn nhân cận huyết và hệ lụy

 

Người Mảng quan niệm rằng: "Khi con gái đi lấy chồng sinh con, những đứa con ấy mang họ khác thì không còn là con ma của nhà mình, nên con của anh em trai và con của chị em gái được quyền tự do tìm hiểu xây dựng gia đình". Chính hôn nhân cận huyết, cùng với sự thiếu hiểu biết của người Mảng nên nạn tảo hôn rất nhiều, dẫn đến suy thoái giống nòi.


Khác họ là lấy được nhau…


Đồng chí bí thư Đảng ủy xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn Lý Thị Chướng, dân tộc Mảng cho biết: Con của chị gái tôi là Chìn A Tơi lấy con của em gái tôi là Lý Thị Nhan, năm nay cả hai đều đã 40 tuổi rồi mà vẫn chưa có con… Nếu các anh hỏi họ có kết hôn cận huyết thống không thì tất cả đều sẽ trả lời là không. Nhưng nếu các anh hỏi ở bản có trường hợp nào con anh trai lấy con chị gái, con chị gái lấy con em gái không... thì họ sẽ bảo là có ngay. Với người Mảng thì con anh con em mà khác họ là có thể lấy được nhau vì họ cho như vậy không còn cận huyết thống nữa.

 

Trẻ em người Mảng sinh ra và lớn lên, do nhiều yếu tố tác động nên phát triển kém, trí thông minh thấp.


Để chúng tôi hiểu rõ, chị bí thư giải thích cặn kẽ hơn, quan niệm trước đây của người Mảng, khi con gái kết hôn thì đứa con được sinh ra sẽ mang họ của người chồng. Mà đối với người Mảng, khi đứa trẻ đã mang họ của gia đình khác thì không còn liên quan gì đến dòng họ bên ngoại nữa. Từ quan niệm đơn giản đó, người Mảng cho rằng con anh trai lấy con em gái, con chị gái lấy con em gái và ngược lại là chuyện bình thường.


Ở bản Nậm Nó 2, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn cũng có trường hợp con anh trai lấy con em trai. Tào A Lọ, 44 tuổi là con anh trai lấy Tào Me Xưởng, 42 tuổi là con em trai. Chính quyền xuống tuyên truyền để hai người chia tay nhưng họ không bỏ nhau. Theo lời kể của những người trong bản thì đôi vợ chồng này rất sợ sấm sét, vì sợ trời đánh chết cái tội anh em mà lấy nhau. Khi mới lấy nhau, trời có mưa sấm sét thì cả hai đều chui vào chuồng lợn để ẩn, vì chỗ ấy bẩn sấm sét mới không vào. Bây giờ, cả hai đều đẽo miễng gỗ nhỏ ở chiếc máng lợn bỏ vào cổ áo để tránh sấm sét... Cặp vợ chồng này may mắn có 4 người con nhưng không bị dị tật, nhưng liệu đời sau sẽ như thế nào với hủ tục hôn nhân cận huyết như thế này.


Bà Giáp Thị Chỉ - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lai Châu chua xót khi nhắc đến chuyện hôn nhân của người Mảng: “Dân tộc Mảng là một trong những dân tộc có tuổi thọ ít nhất ở Lai Châu hiện nay. Bình quân tuổi thọ của người Mảng chỉ ở ngưỡng 50, những người cao tuổi còn lại tại các bản làng hiện nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nguyên nhân khiến tuổi thọ của người Mảng thấp có thể do điều kiện sống, thói quen sinh hoạt. Đặc biệt là tình trạng kết hôn cận huyết thống trước đây”.


Không chỉ còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống mà dân tộc Mảng còn tồn tại rất nhiều hủ tục khác như sinh con vẫn đem ra ngoài bìa rừng, đem xuống suối rửa. Đặc biệt người Mảng rất sợ đẻ con sinh đôi, khi đó họ sẽ đem chôn sống đứa trẻ vì cho rằng đó là con ma hiện về làm hại dân làng.
Theo kết quả khảo sát của Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em Lai Châu (năm 2006-2007), tỷ lệ tảo hôn ở các dân tộc Mảng chiếm tới 80%; tỷ lệ kết hôn cận huyết thống chiếm khoảng 20%.


Bản “vô sinh”...


Chứng kiến bản Nậm Nghẹ (xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn) vắng vẻ nên chúng tôi thấy lạ. Trong căn nhà xập xệ cũ nát, trưởng bản Nậm Nghẹ, Lò A Tiên trông hom hem hơn cái tuổi 30 của mình rất nhiều. Hỏi thăm Tiên sao làng ít trẻ con thế? Ông trưởng bản thoáng chột dạ. Hút sòng sọc điếu thuốc lào rồi nhả khói nghi ngút qua tấm phên lỗ liếp, Tiên lờ đờ tâm sự: Cả bản Nậm Nghẹ có ngót nghét 30 hộ dân thì có đến 7 cặp vợ chồng không có con, người lâu lâu đã ngót hai chục năm, ít cũng đã bốn năm nên bản vắng trẻ con chứ sao…

Tiên bảo, dân làng lúc đầu nghi nguồn nước ăn có chất độc nên mới có nhiều cặp vợ chồng bị vô sinh đến thế, nhưng tất cả người dân ở Nậm Nghẹ đều dùng nước từ một con suối, bản vẫn có nhiều cặp vợ chồng rất nhiều con như ông Lò A Sùng có tới 7 đứa, bản thân A Tiên cũng một lô một lốc... Là bộ tộc rất tin vào thần linh và cho rằng vạn vật đều có ma nên người Mảng quay sang đổ tội con ma trẻ con về quấy phá khiến các cặp vợ chồng không sinh được con. Vậy là tổ chức cúng bái linh đình hết bài này đến bài nọ, mời hết thầy cúng này đến thầy cúng khác cũng chẳng được gì.


Chúng tôi sang nhà vợ chồng Lò A Đương và Lo Me Nen vì biết họ lấy nhau đã bốn năm mà chưa có con. A Đương đi vắng, ngồi đan cỏ tranh để lợp mái nhà trước sân, khi nghe chúng tôi hỏi về đường con cái của chị, Nen buồn rầu nói: “Hai vợ chồng mình đều khỏe mạnh, không ai có bệnh tật gì mà lấy nhau bốn năm rồi vẫn chưa có con. Mình cũng chẳng biết tại mình hay tại chồng của mình nữa. Bây giờ được Nhà nước cho gạo ăn mà không có đứa con bồng bế vợ chồng mình buồn lắm…


Chúng tôi gặp cặp vợ chồng Tào A Hợi và Lò Me On đã chung sống với nhau 20 năm, ngồi bên bếp lửa bập bùng, Tào A Hợi vò cái đầu rối như tổ quạ không hiểu mình tại sao lại vậy?


Trái ngược với những cặp vợ chồng vô sinh ở bản Nậm Nghẹ, họ ngày ngày mong có một mụn con để an ủi tuổi già, ở bản Nậm Nó 2 (xã Trung Chải) có trường hợp sinh con ra, không nuôi được đành phải cho đi. Chị Tào Me Su, 35 tuổi, dân tộc Mảng lấy chồng và sống luôn cãi vã, chồng đánh đập vợ nên bỏ nhau. Su mang bầu và sinh ra một bé gái, chị không có tiền nuôi con nên nhờ anh em nuôi hộ nhưng không ai nhận lời cả. Cô định mang con lên rừng để vậy, nghe thế Tào A Thắng - Chủ tịch xã Nậm Ban là người Mảng thương tình đến xin nhận về nuôi khi cháu gái mới được mấy ngày lọt lòng.


Bài và ảnh:Việt Hoàng

 

Kỳ 3: Uống rượu, hút thuốc lào từ trong bụng mẹ

Người Mảng Lai Châu già đi vì hủ tục - Kỳ 1: Dân tộc lạc hậu
Người Mảng Lai Châu già đi vì hủ tục - Kỳ 1: Dân tộc lạc hậu

Tuổi thọ trung bình thấp, sự hiểu biết và sức khỏe của người dân không cao - đó là biểu hiện sự già hóa dân số của dân tộc Mảng, đặt ra câu hỏi tộc người Mảng sẽ như thế nào trong khi vốn dĩ dân tộc này đã được xếp vào dân tộc thiểu số ít người đang được bảo tồn cấp Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN