Người giữ lửa điệu múa Thái ở Sơn La

“Chưa ăn gà nướng, chưa xem múa Thái, coi như chưa tới Sơn La”, câu nói ấy của một người dân bản địa đã níu chân chúng tôi lại phố núi yên bình này. Giữa một đêm thành phố bảng lảng sương giăng, bên ngọn lửa bập bùng, khi men say đã ngấm vào người…, tất cả hòa quyện thành một cảm xúc khó tả. Điệu múa ấy, thân hình uyển chuyển của những cô gái Thái giờ đã trở thành “đặc sản” của người Sơn La đón khách. Người có công góp phần giữ gìn điệu múa truyền thống này chính là NSƯT Đinh Công Pòn - một người con sinh ra giữa núi rừng Sơn La.


Duyên may đời nghệ sỹ


Đinh Công Pòn là một giảng viên dạy múa, là thầy giáo của bao thế hệ học trò ở tỉnh Sơn La; kiêm nhiệm luôn biên đạo múa, chuyên dàn dựng các tiết mục múa truyền thống ở nhiều sự kiện của địa phương. Áo vest sang trọng, giày tây… nhưng cái chất người miền núi, sinh ra ở nương bản của người Mông yêu say điệu múa truyền thống vẫn cứ cháy bập bùng trong anh như đuốc lửa người Thái đêm đông trong những buổi xập xòe váy yếm đêm đãi khách.


Chuyển sang vị trí công tác mới, NSƯT Đinh Công Pòn vẫn trăn trở để giữ gìn và phát triển điệu múa Thái.Ảnh Viết Thịnh


Vốn là người con của dân tộc Mường, sinh ra ở huyện Phù Yên (Sơn La), tình yêu với điệu múa dân tộc Thái đã ngấm vào anh như những mạch nước ngầm thấm vào từng khe đất, như phù sa của con sông bồi đắp từng ngày. Dù rằng, điệu múa truyền thống của người Thái vốn ưa chuộng dành cho người con gái. Bởi cái uyển chuyển ấy, cái má hồng ửng đỏ của lửa, của da thịt ấy, cộng hưởng với những áo yếm xòe hoa của người con gái càng làm cho điệu múa đằm hơn, dìu dặt người xem.


Thế nhưng, từ khi còn là một cậu học trò, Đinh Công Pòn đã biết múa, biết đưa người theo những làn điệu quen thuộc. “Nhìn người ta múa, lâu rồi thuộc, rồi thích mà học theo, không có thầy, không có lớp dạy như bây giờ đâu” - Đinh Công Pòn cho hay. Cơ hội đến với anh khi các thầy giáo của trường múa Việt Nam về Sơn La tuyển học viên. Lúc đó Đinh Công Pòn là cậu học trò lớp 7, cũng dìu dặt theo chân chúng bạn vào thi thử. Anh thú thật: “Lúc đó thấy mọi người đi cũng đi cho vui, thấy mọi người thi cũng thi cho biết”. Thế mà như một cơ duyên sắp sẵn, lần đó cả trường chỉ có Pòn trúng tuyển.


Một tác phẩm múa do NSƯT Đinh Công Pòn dàn dựng.


Vượt núi tìm học


Đinh Công Pòn kể lại, nghe tin trúng tuyển trường ở dưới Hà Nội, cả nhà Pòn vui lắm, nhưng lo lắng. Mẹ Pòn nhìn con buông lời, Hà Nội xa thế, con đi có biết đường về lại nhà, về lại nương bản ta không? Pòn cũng băn khoăn, trong ý niệm chưa biết được Hà Nội ở đâu, đi bao lâu mới tới… Đang trong lúc hoang mang, các thầy giáo lại đến động viên Pòn xuống học, để sau này về còn giúp người Thái giữ lấy điệu múa Thái cho con cháu sau này. Nghĩ vậy, Pòn quyết định hạ sơn, tìm đường xuống Hà Nội học.


Điệu múa truyền thống của người Thái (Sơn La) trở thành “đặc sản” văn hóa đãi khách của người dân nơi đây. Ảnh: Anh Tuấn


Những ngày xuống thủ đô, mọi thứ đều lạ lẫm với Pòn, cuộc sống cũng đầy rẫy khó khăn phải đối mặt, nhưng được thầy cô và bạn bè giúp đỡ, Pòn cũng học xong. Ra trường, bạn bè Pòn đua nhau vào Nam toan tính việc lập nghiệp, ai cũng rủ rê Pòn cùng đi, nhưng Pòn lắc đầu nói: “Phải về quê chứ, phải đưa kiến thức học được về giữ điệu múa người Thái chứ”. Thế là mặc cho bạn bè ùn ùn đi tìm những miền đất hứa, Đinh Công Pòn lẳng lặng đi về chốn non núi hoang vu, nơi đó có nhà của mình và còn nhiều việc phải làm để giữ gìn điệu múa dân tộc Thái.


Trở lại quê hương, Pòn đầu quân cho Đoàn ca múa nhạc dân tộc Sơn La. Với kiến thức học được, cộng thêm tình yêu với điệu múa, Pòn cùng với Đoàn ca múa nhạc dân tộc đi khắp nơi, xuống tận từng bản xa gây dựng lại từng đội múa, tìm gặp thêm những người già hiểu biết về điệu múa Thái để học hỏi thêm, để đưa điệu múa Thái sống dậy trong lòng người Thái. Nhờ những đóng góp đó, mà tiếng tăm anh chàng Pòn càng bay xa hơn, lúc đó anh đã được tỉnh cử đi tham gia đoàn nghệ thuật Việt Nam, dự liên hoan Festival thế giới được tổ chức tại Cộng hòa liên bang Nga (Liên Xô cũ), được cùng đoàn đi biểu diễn giao lưu văn hóa Nga - Việt. Anh đã đi phục vụ các chiến sĩ bảo vệ phòng tuyến biên giới trong những năm 1980, và đã rất nhiều lần biểu diễn phục vụ tại nước bạn Lào.


Người con gái Thái uyển chuyển trong từng điệu múa. Ảnh: Anh Tuấn


Năm 2001, nghệ sĩ Đinh Công Pòn chuyển sang khoa Nghệ thuật - tổ trưởng tổ múa tại Trường Trung cấp VH,NT&DL tỉnh Sơn La. Con đường nghệ thuật rẽ sang một hướng mới, nhưng tình yêu vẫn chưa nguội tắt trong người anh, trên cương vị này anh càng có điều kiện truyền tình yêu điệu múa của mình vào từng cô cậu học trò nhỏ.



Viết Thịnh

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN