Mường Lay - Điện Biên sẽ không còn là "Mường...Trôi"

Đến với thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) những ngày này, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một khu đô thị “có một không hai” của đất nước. Đó là những “phố nhà sàn” trải dài hai bên bờ, soi bóng xuống mặt hồ thủy điện Sơn La. Trên mặt hồ điểm xuyết những con thuyền đánh bắt cá, thuyền đưa du khách xuôi ngược cùng những bè cá nhấp nhô, mô hình kinh tế mới có ở phố núi này khi nước hồ dâng cao.  

            

 Hiện con nước trên lòng hồ thủy điện Sơn La là gần 213 m so với mực nước biển. Có nghĩa là toàn bộ các khu vực dân cư, hành chính của thị xã trước đây đã ngập chìm dưới lòng hồ. Cây cầu treo Nậm Cản ở đầu thị xã về phía thượng nguồn con suối Nậm Lay, trước đây cao trên 10m, giờ chỉ còn 2 đầu trụ sắt nhô lên thấp thoáng trên mặt nước. Vài cây dừa ở bản Quan Chiên phía đầu cao của thị xã giờ chỉ còn làm những tàu lá loà soà trên mặt nước lòng hồ. Hai bên bờ hồ, trên bờ kè đá là những dãy nhà sàn bằng gỗ lợp ngói, lợp đá đen xếp ngay ngắn thành hàng in bóng xuống mặt nước trông thật nên thơ.  

 

“Thị xã hẹp trong một tầm tiếng gọi”, câu thơ hay viết về thị xã Lai Châu (nay là thị xã Mường Lay)  giờ đã chỉ còn là trong quá khứ. Hiện thực bây giờ là để đi giữa 2 bờ của thị xã, phải mất hơn 2 phút trên những con đò máy qua chiều rộng mặt hồ khoảng 400 m nếu đi thẳng, còn theo lộ trình của bến đò là gần 1.000 m. Đó là bởi cây cầu Bản Xá, cầu bê tông dự ứng lực dài nhất Tây Bắc (gần 670 m) vừa mới hợp long, lẽ ra đã phải hoàn thành trong năm 2010, song do tình hình suy thoái kinh tế đã phải chậm lại tiến độ. Nhìn tổng thể Mường Lay, ai cũng phải thốt lên: ... thật đẹp!   Song hiện tại mảnh đất này vẫn đang bề bộn như một đại công trường: toàn bộ phần kiến trúc của hệ thống công sở, giáo dục, y tế... đang xây dựng dang dở, đường phố vẫn lầy lội “mưa bùn - nắng bụi”, con người giữa 2 bờ vẫn chịu “cách trở đò ngang”. Đó là bởi địa phương này vẫn đang dồn sức cho công cuộc tái thiết lại hoàn toàn đô thị sau khi tái định cư thủy điện Sơn La.  

 

Thị xã Mường Lay (trước đây là thị xã Lai Châu) được thành lập ngày 8/10/1971, chỉ còn vài ngày nữa, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc địa phương sẽ tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thành lập. Vị trí này trước đây là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Lai Châu (cũ). Có lẽ đây là địa phương đã trải qua nhiều biến cố nhất trong lịch sử kể từ ngày thành lập. Theo tiếng dân tộc Thái, Mường Lay nghĩa là "Mường... Trôi", và cái tên này hễ áp cho vùng đất nào thì địa phương đó cũng đều chịu thảm hoạ... trôi. Nhiều người còn nhớ trận lũ ống lịch sử tháng 6/1990 trên suối Nậm Lay đã phá hủy hầu hết các công trình kiến trúc của thị xã Lai Châu, làm chết và mất tích 72 người. Hơn 1 năm sau đó, lại một trận lũ nữa tràn về phá hủy thị trấn Mường Lay (nằm ở phía đầu nguồn cách thị xã 8 km), rồi tràn qua gây thiệt hại cho thị xã. Bởi vậy, trung tâm tỉnh lỵ đã di dời 100km về Điện Biên Phủ, còn địa phương này vẫn giữ tên thị xã Lai Châu trực thuộc tỉnh.

 

Năm 2004, tỉnh Lai Châu chia tách thành 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Trong hơn 1 năm tỉnh Lai Châu chưa có thị xã, còn thị xã Lai Châu lại trực thuộc tỉnh Điện Biên. Cái tên Mường Lay được đặt cho thị trấn nằm cách thị xã bây giờ hơn 50 km, và cũng gây thảm họa cho mảnh đất chưa bao giờ bị thiên tai này bằng một trận lũ ống, trôi mất khá nhiều công trình kiến trúc. Đến tháng 3/2005, sau khi trả lại tên cho thị xã Lai Châu bây giờ, thị xã Mường Lay đã có được tên của mình như hiện tại. Ngay sau đó, Mường Lay đã không còn bị trôi mà sẽ ngập vĩnh viễn dưới lòng hồ thủy điện Sơn La khi Nhà máy này tích nước.  

 

Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Bí thư Thị ủy Mường Lay cho biết: Từ khi thành lập đến nay, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã Mường Lay là tập trung vào công tác tái định cư thủy điện Sơn La. Đó là bởi với Cos nước 219 m theo thiết kế của nhà máy thủy điện này, toàn bộ thị xã trước đây sẽ nằm dưới đáy hồ thủy điện.

 

Trong tổng số hơn 4.200 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, có tới gần 82% số hộ cùng toàn bộ các cơ quan công sở phải di dời, nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện. Điều vất vả nhất đối với Mường Lay là các địa phương khác cùng bị ảnh hưởng bởi lòng hồ thủy điện chỉ phải tái định cư một lần, còn người dân của thị xã này do tái định cư tại chỗ (còn gọi là di vén lên cao) nên phải di dời tới hai lần: một lần về chỗ ở tạm, chờ qui hoạch xong mặt bằng, lần hai quay về nơi ở mới cố định như hiện nay.

 

Cho đến thời điểm này, các đơn vị chuyên ngành và chính quyền địa phương đã hoàn thành công tác tái định cư cho gần 1.900 hộ ở lại thị xã, trong đó 74% đã chuyển lên nhà mới. Đối với gần 1.500 hộ được bố trí tái định cư ngoài địa bàn (đến tỉnh Lai Châu, thành phố Điện Biên Phủ, tái định cư tự nguyện) cũng đã được thanh toán hầu hết các khoản bồi thường và ổn định nơi ở mới. Hiện tại địa phương đang thực hiện quyết liệt công tác xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, cấp điện, nước, kè trị thủy, công viên, nghĩa trang, trường học... Một số công trình trọng điểm đã hoàn thành như Bệnh viện Đa khoa, Trường Phổ thông Trung học...

 

Cây cầu Bản Xá nối 2 bờ thị xã dự kiến ngày 6/10/2011 sẽ thông xe kỹ thuật, để đôi bờ khỏi cách trở đò ngang. Nước hồ dâng lên cũng là điều kiện để người dân sở tại phát triển các ngành nghề mới như đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản - thủy cầm, vận tải thủy, du lịch sinh thái... Hiện tại, những nghề này đã manh nha hình thành, thị xã đã tổ chức hàng chục lớp dạy nghề, cấp chứng chỉ lái phương tiện đường thủy cho hơn 40 người.

 

Trước đây, các hộ dân địa phương chủ yếu sinh sống bằng nghề làm ruộng, do nước dâng làm mất ruộng nên đã khá khó khăn khi chuyển đổi nghề nghiệp. Sau khi được Chính phủ ra quyết định hỗ trợ thêm 1 năm lương thực từ tháng 10/2011, thị xã Mường Lay dự kiến bằng các biện pháp cải tạo, khai hoang, trị thủy sử dụng đất bán ngập... khi hết chính sách hỗ trợ sẽ tạo ra quĩ đất khoảng 340 ha để canh tác nông nghiệp, lớn hơn so với diện tích ruộng trước khi bị ngập. Như vậy, vấn đề “hậu tái định cư” coi như đã được giải quyết. 

            

 Ghé thăm gia đình cụ Lò Văn Nạm, 60 tuổi ở tổ 1 phường Sông Đà, cụ cho biết: Gia đình đã làm xong nhà từ tháng 6/2010. Nhà cụ bị ngập mất 12.000 m2 đất ruộng và đất sản xuất nên lúc đầu cũng khá khó khăn, nay đã ổn định chỗ ở với căn nhà sàn bằng gỗ, xây tường, tổng trị giá gần 400 triệu đồng. Giờ 6 nhân khẩu trong gia đình, nửa đi làm công nhân, còn sinh sống bằng nghề đánh bắt cá trên 2 chiếc thuyền. Những ngày thời tiết thuận lợi, cụ và con trai ra hồ bắt cá, ngày may mắn thu về 2 - 3 triệu đồng, ngày ít cũng được 300 - 400 nghìn đồng. Hiện cụ đang cho con trai út đi học lái xe vì gia đình mới mua một chiếc xe vận tải hạng nhẹ để chuyên chở vật liệu xây dựng cho các công trình. Đàn vịt 50 con mà dự án của thị xã cấp giống và thức ăn giờ đã sắp cho thu hoạch. Đời sống nói chung đã khá hơn trước nhiều, chỉ có điều không trực tiếp làm ra hạt lúa nên tâm lý còn lo lắng. 

            

 Giống như qua một giấc mơ, thị xã Mường Lay giờ tỉnh giấc, bỗng thấy mình ở một nơi lạ lẫm, trên bến dưới thuyền. Những ngôi nhà sàn, nhà xây cao tầng kiên cố soi bóng xuống lòng hồ huyền ảo. Người dân giờ đi làm nương, đi chở củi hay đến thăm nhau cũng bằng thuyền, tự dưng thấy... lạ. Cũng chẳng ai ngờ rằng nước sông Đà có thể lại dâng cao đến thế. Bề bộn, vất vả, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc của miền đất sơn thủy này đang gắng sức cho một cuộc thay đổi mang tính lịch sử, làm mọi cách có thể, để vĩnh viễn phố núi này mất đi cái tên "Mường... Trôi". 

       

   Chu  Quốc Hùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN