Làm chổi đót truyền thống giúp đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện cuộc sống

Từ tháng 11 đến tháng 2 Âm lịch, các hộ gia đình đồng bào Vân Kiều ở thôn CuPua nằm bên bờ sông Đakrông hiền hòa, trong xanh trên địa bàn xã Đakrông, huyện miền núi Đakrông (tỉnh Quảng Trị) luôn bận rộn với nghề làm chổi đót truyền thống.

Anh Hồ Văn Phoi - Trưởng thôn CuPua cho biết, hiện trong thôn có 20/64 hộ dân tham gia làm chổi đót cung ứng cho thị trường, bình quân mỗi ngày một hộ làm được trên 20 chiếc. Với giá bán trên thị trường khoảng 30 - 40 ngàn đồng/chiếc thì nghề này cho các hộ dân làm chổi đót trong thôn doanh thu từ 12 đến 16 triệu đồng/ngày và khoảng 1,4 đến 1,9 tỷ đồng/năm. 


Theo tính toán của các hộ dân, mỗi chiếc chổi đót sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 14 ngàn đồng/chiếc, cao hơn nhiều so với làm nương rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ lạc hậu trước đây. Nhờ nguồn thu nhập cao, ổn định nên nhiều hộ dân đã mua sắm được các vật dụng đắt tiền như tivi, xe máy, tủ lạnh,…; có điều kiện chăm sóc con cái chu đáo với tỷ lệ 100% trẻ được đến trường và một số em đang học đại học, cao đẳng...

Làm nghề chổi đót tại xã Đăkrông. Ảnh: TTXVN

Những năm trước đây, đời sống văn hóa của các hộ đồng bào Vân Kiều thôn CuPua rất lạc hậu, kinh tế khó khăn chỉ dựa vào nương rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ tự cung tự cấp, săn bắt thú rừng,… Công việc tạm bợ chỉ cho họ mức thu nhập khoảng 1 triệu đồng/tháng/hộ.


Trên thị trường, người tiêu dùng ở thành phố Đông Hà rất ưa thích sản phẩm chổi đót của thôn CuPua vì chất lượng bền và đẹp. Hơn 7 năm kể từ ngày phát triển, mở rộng nghề làm chổi đót đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân CuPua cải thiện nhiều hơn so với trước. Theo các hộ dân, người làm nên cuộc cách mạng thay đổi đời sống bà con nơi đây là ông Hồ Văn Chuốp - người đem nghề làm chổi đót về thôn. 


Ông Chuốp còn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo bà con thay đổi thói quen, từ chỗ dùng đót làm chất đốt, ủ ấm cho trâu bò chuyển sang làm nguyên liệu sản xuất hàng hóa bán kiếm tiền để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Nhờ phát triển nghề chổi đót, người dân tận dụng được khoảng thời gian nông nhàn, ban đêm tranh thủ đan chổi. Thậm chí, trẻ nhỏ sau thời gian học bài cũng có thể phụ giúp cha mẹ đan chổi, giúp các cháu tránh xa tệ nạn xã hội, thói hư tật xấu,…


Anh Hồ Văn Nót chia sẻ, mỗi ngày đan được hơn 20 chiếc chổi, thu lãi gần 300 ngàn đồng. Bình quân mỗi tháng anh Nót thu nhập gần 9 triệu đồng. Công việc này cho thu nhập cao, không quá vất vả và an toàn hơn nhiều so với đi nương, rẫy hay đi hái lan, thu mật ong rừng trong thời gian nông nhàn trước đây.


Để tạo điều kiện phát triển nghề sản xuất chổi đót, UBND xã Đakrông đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân. Ông Hồ Thanh - Chủ tịch UBND xã Đakrông cho biết, xã đã ký thỏa thuận với tổ chức KOICA (Hàn Quốc) hỗ trợ vốn cho bà con duy trì và phát triển nghề này; thời gian tới sẽ phối hợp với Phòng Công thương huyện Đakrông tổ chức tập huấn tay nghề cho bà con và liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.


Trịnh Bang Nhiệm (TTXVN)
VTV phải giải trình vụ “chổi quét rau” trước 13/5
VTV phải giải trình vụ “chổi quét rau” trước 13/5

Ngày 12/5, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) có văn bản yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam giải trình những thông tin liên quan đến phóng sự “Cây chổi quét rau”, trong đó cần nêu rõ quá trình thực hiện phóng sự này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN