Khi những 'quan' trẻ vì dân vì bản

Một năm chưa phải là dài để 47 Đội viên tham gia vào Dự án 600 Phó Chủ tịch UBND xã – Bộ Nội vụ tại tỉnh Lai Châu phát huy hết khả năng của mình và làm những điều lớn lao hơn nhưng chừng đó cũng đã nói lên nhiều điều. Trên cương vị Phó chủ tịch UBND xã, với phương châm “4 bám, 5 cùng”, để bà con dân tộc thiểu số nơi đây tìm thấy niềm tin thoát nghèo, các “quan” trẻ đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.

Ảnh minh họa. Nguồn: chinhphu.vn.


Mỗi người một quê, một hoàn cảnh nhưng họ đều có chung một trái tim tràn đầy nhiệt huyết, bởi vậy mà các đội viên đã nhanh chóng làm quen với môi trường mới. Đội viên Nguyễn Thị Hằng (quê Nghệ An), tốt nghiệp Đại học Vinh, hiện đang là phó Chủ tịch UBND xã Lùng Thàng, huyện biên giới Sìn Hồ nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên vùng đất khó mà cảm thấy nản lòng khi sống trong môi trường hoàn toàn mới, bất đồng ngôn ngữ, kinh nghiệm nghề nghiệp ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, mà hơn cả đó chính là chưa am hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc. Thời gian dần trôi, những bỡ ngỡ của tân phó Chủ tịch cũng sớm qua đi trong sự dìu dắt, giúp đỡ của chính bà con dân tộc. Hình ảnh những đứa trẻ còm nhom, rách rưới, mùa lạnh thiếu áo, bữa cơm chỉ có rau… đã tạo động lực và quyết tâm để Hằng giúp đời sống của bà con được nâng lên.

Những kiến thức đã được học trên giảng đường để áp dụng ra thực tiễn là cả một vấn đề lớn nhưng các trí thức trẻ đã tích cực, chủ động tìm hướng phát triển kinh tế cho người dân. Những mô hình trồng Khoai tây của phó Chủ tịch UBND xã Ma Quai (huyện Sìn Hồ); mô hình trồng Dong riềng tại Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ)… bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều bà con cùng làm.

Được UBND xã Mường So (huyện Phong Thổ) tin tưởng phân công phụ trách mảng Kinh tế - Tài chính, đội viên Bùi Quang Lịch (quê Thái Bình) luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt có nhiều đóng góp vào chương trình xây dựng Nông thôn mới tại địa phương. Từ khi nhận nhiệm vụ, đội viên Lịch đã vận động nhiều hộ dân hiến đất để làm các tuyến đường nội đồng, liên thôn bản, cùng nhân dân xây dựng thành công cầu treo Nà Củng… Với anh, để bà con coi trọng mình, trước hết phải khẳng định bản thân bằng những việc làm cụ thể, trước nhất phải chăm xuống cơ sở, bám dân, bám bản. Anh Lịch tâm sự: “Chúng tôi phải đối mặt với nhiều cách nghĩ khác nhau của nhiều người dân rằng chúng tôi đến chỉ để phụ việc cho xã một thời gian thôi. Rồi nhiều việc chưa dám tự quyết vì môi trường làm việc mới, kinh nghiệm địa bàn chưa có... tất cả đều là những trở ngại lớn”.

Là con trai, bám dân, bám bản đã khó, con gái lại còn khó gấp bội phần. Sinh năm 1989, quê ở Hà Nam, đội viên Trương Thị Trang là một trong những “quan” trẻ của tỉnh Lai Châu. Phụ trách mảng Văn hóa – xã hội ở UBND xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên), nhiều khi xuống cơ sở hay vào bản tuyên truyền chính sách dân số, Trang rất e ngại vì bản thân mình còn chưa lập gia đình, lấy đâu ra kinh nghiệm để nói cho người dân hiểu. Trang tâm sự: “Có lần xuống bản tuyên truyền về sinh con thứ 3, nhiều trường hợp đã khiến mình lúng túng, họ cho rằng là người dân tộc thiểu số thì phải đẻ thật nhiều để thành đa số... ”. Tuy được phân công phụ trách lĩnh vực khác với chuyên ngành đào tạo nhưng Trang khẳng định: đó chính là điều kiện thuận lợi để giúp cho các trí thức trẻ như Trang tiếp cận công việc ở ngoài xã hội được tốt hơn.

Nhiều xã không có phòng hay nhà công vụ để bố trí nơi sinh hoạt đã phần nào ảnh hưởng tâm lý các đội viên. Thế nhưng, thiếu thốn cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt thường ngày được các trí thức trẻ coi là chuyện thường bởi theo họ, bất đồng ngôn ngữ mới là khó khăn lớn nhất. Đội viên Lê Thanh Tuấn đến từ Thái Bình, hiện là phó Chủ tịch UBND xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên) cho rằng, không hiểu người dân nói gì và mong muốn gì là một vật cản lớn, địa bàn với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống đã đưa đến nhiều vất vả trong công tác tuyên truyền các chính sách của Nhà nước. Mặt khác, địa bàn quản lý rộng nên mất nhiều thời gian để có thể xuống cơ sở nên cần phải điều hòa công việc ở xã sao cho hợp lý, nếu không sẽ bị quy là bỏ bê công việc.

Quyết định xa quê hương, xa bạn bè, người thân đã đưa họ đến với vùng đất còn khó khăn, thiếu thốn này. Phải đối mặt với những người xa lạ, môi trường lạ, công việc mới, trong khi kinh nghiệm thực tế tích lũy chưa phải là nhiều, thậm chí có đội viên đã 5 tháng qua, vẫn chưa được nhận một đồng lương hay phụ cấp nào nhưng họ vẫn quyết tâm bám trụ, vẫn tự lấy những khó khăn là động lực phấn đấu. Nhiều người được bà con dân tộc quý mến, coi như con, như cháu trong gia đình.

Tạo điều kiện thuận lợi để những đội viên phó Chủ tịch xã đang nhận nhiệm vụ tại các xã nghèo là để họ gắn bó lâu dài với địa phương chứ không phải một sớm một chiều. Mới đây, trong hội nghị sơ kết giai đoạn I thực hiện Dự án 600 Phó Chủ tịch xã của tỉnh Lai Châu, ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Giám đốc ban Quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch UBND xã – Bộ Nội vụ đã yêu cầu các đơn vị có liên quan cần quan tâm hơn, nhất là giải quyết hỗ trợ kinh phí, tạo mọi điều kiện cho trí thức trẻ phát huy trí tuệ. Bên cạnh đó, xem xét tạo điều kiện cho các trí thức trẻ được đứng trong hàng ngũ của Đảng để đội viên yên tâm công tác, đóng góp sức trẻ, thực hiện thành công mục tiêu xóa đói giảm nghèo tại những địa bàn khó khăn của tỉnh Lai Châu.


Quang Duy

Bồi dưỡng kiến thức cho đội viên Dự án 600 phó chủ tịch xã

Lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho đội viên Dự án 600 phó chủ tịch xã của các tỉnh được tuyển chọn bổ sung năm 2012 do Bộ Nội vụ tổ chức, đã khai mạc sáng 10/10 tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN