Học cách làm giàu nơi đầu sóng ngọn gió

Cồn Cống là cù lao nhỏ nằm kẹp giữa hai vàm Cửa Tiểu và Cửa Đại trên sông Tiền, thuộc huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Với một mặt hướng thẳng ra Biển Đông, Cồn Cống không khác gì chốt tiền tiêu thiên nhiên, ngày đêm canh giữ vùng biển hạ lưu sông Tiền.


 

Nghề nuôi tôm sú giúp cho nông dân Cồn Cống làm giàu, cải thiện đời sống.

 

Nhiễm mặn gần như quanh năm, thiên nhiên khắc nghiệt, nhiều nắng gió, mùa bão tố biển động rất dữ, nhưng đây cũng là nơi giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản. Khu vực Cồn Cống có bãi nghêu sò đẻ tự nhiên, có nhiều thủy sản đặc hữu: Cá đối, cá chẽm, tôm sú, tôm thẻ, cua gạch son, nghêu, sò huyết...


Bám trụ ở Cồn Cống là những nông dân can đảm, gan dạ, biết học cách làm giàu ở nơi đầu sóng ngọn gió nhiều thách thức. Tiêu biểu là ông Đặng Văn Hà, sinh năm 1959, cư ngụ tại Cồn Cống, người nổi danh với nghề nuôi tôm sú quảng canh cải tiến. Ông Hà cho biết, vùng đất nơi đây hết sức khắc nghiệt, đất đai khó có thể trồng lúa hoặc canh tác các cây trồng khác do nhiễm mặn, thiếu nước bơm tát, bão tố lại hoành hành hàng năm. Tuy nhiên, mảnh đất này lại thích hợp với nghề nuôi tôm sú quảng canh cải tiến.


Xác định đây là hướng phát triển kinh tế khả thi, ông Đặng Văn Hà đã tìm tài liệu, mày mò học hỏi, tham dự các lớp dạy nghề nông thôn ngắn hạn chuyên về nuôi thủy sản, đặc biệt nuôi tôm quảng canh cải tiến, do Hội Nông dân cùng các ngành hữu quan phối hợp tổ chức. Thuận lợi lớn cho ông Hà là đúng thời điểm đó, vùng đất Cồn Cống được tỉnh qui hoạch thành địa bàn chuyên ngư với nghề nuôi tôm sú, tôm thẻ quảng canh cải tiến và thâm canh, nhằm tạo nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu, vừa mở hướng giúp nông dân miền đất khó làm giàu, cải thiện đời sống.


Sau khi nắm vững kỹ thuật, lịch thời vụ nuôi trồng, ông Đặng Văn Hà mạnh dạn cải tạo 13 ha đất canh tác sang làm ao đầm nuôi tôm sú. Đặc điểm của nghề nuôi tôm sú quảng canh cải tiến là thả nuôi mật độ thấp, chăm sóc, theo dõi sức tăng trọng của tôm và thu hoạch dần. Với mô hình quảng canh cải tiến, mật độ là 10 - 15 con/m2 mặt nước theo khuyến cáo của cán bộ thủy sản. Ngoài tôm sú thương phẩm, trong quá trình nuôi, người nuôi còn thu hoạch thêm được đáng kể lượng cá trắng, tôm tép, cua ốc khác sinh sống trong đầm tôm. Cụ thể, trong vụ vừa qua ông Hà thả tổng cộng nửa triệu con tôm sú giống. Chi phí sản xuất ban đầu gồm tiền thuê máy ủi san lấp đầm tôm, con giống, nhân công... tổng cộng 84 triệu đồng. Đến kỳ thu hoạch, đã thu được 2 tấn tôm sú, 1 tấn tôm khác, 1 tấn cá các loại, 340 kg cua gạch... trị giá 393 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Đặng Văn Hà còn lãi trên 309 triệu đồng. Đây là một thắng lợi lớn, mở ra triển vọng của nghề nuôi tôm sú ở cồn bãi hạ lưu sông Tiền.


Hiện ông Hà đã bắt đầu một vụ tôm mới đầy hứa hẹn. Đánh giá về mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến của mình, ông Đặng Văn Hà cho biết, mô hình này không chỉ phù hợp với đất đai Cồn Cống, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững, mà tôm sú nuôi trong mô hình quảng canh cải tiến còn ít bị bệnh so với một số mô hình khác. Nhờ nghề nuôi tôm sú quảng canh, gia đình ông Hà đã an tâm bám đất, tổ chức tốt sản xuất, xây dựng cơ nghiệp ổn định, không còn phải lo toan chạy vạy đặc biệt trong mùa mưa bão hàng năm như trước kia.


Bài và ảnh: Minh Trí

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN