Góp ý cho Hiến pháp bằng những câu chuyện kể

Những câu chuyện được nhóm dân tộc thiểu số chia sẻ tại Hội thảo “Chia sẻ kết quả lấy ý kiến 7 nhóm xã hội đóng góp cho dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992” cho thấy một góc nhìn mới về cách tiếp cận Hiến pháp sửa đổi từ những câu chuyện thực tế.

 

Những câu chuyện cuộc sống


Tiến sĩ Hoàng Cầm, Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết: “Khi một số tổ chức xã hội như iSEE, CIFPEN lấy ý kiến đồng bào dân tộc tại các thôn bản ở Văn Chấn (Yên Bái) và Sa Pa (Lào Cai), khi đồng bào đọc những điều sửa đổi trong dự thảo Hiến pháp, họ gần như không hiểu và cho rằng Hiến pháp là những điều luật xa vời.

 

Anh Má A Pho, dân tộc Mông, góp ý cho dự thảo hiến pháp sửa đổi 1992.

 

Tuy nhiên, khi gắn những câu chuyện từ chính cuộc sống với đồng bào thì họ có ý kiến sôi nổi. Đơn cử như tôi là người Thái ở Sơn La, tôi có dẫn chứng câu chuyện về khu rừng thiêng mang tính cộng đồng của đồng bào Thái. Khu rừng trước đây là của cả mường (vùng) chứ không phải của bản nào; là nơi thờ cúng của cả mường, nhưng sau này giao cho UBND xã. Xã sau đó làm nghĩa trang và về vấn đề tâm linh đồng bào thấy không ổn. Từ ví dụ đó họ thấy rằng, cần góp ý cho Hiến pháp sửa đổi về sở hữu cộng đồng rất cần thiết đối với đồng bào dân tộc, miền núi. Cần có sự tham khảo ý kiến cộng đồng trong những khu đất cộng đồng để có sự phát triển bền vững”.


“Tương tự, chúng tôi cũng kể lại câu chuyện tại một xã miền núi ở Ninh Thuận, là nơi sinh sống của cộng đồng người Raglai, có ít trẻ em đến trường. Khi tìm hiểu thì lý do là các em phải học bằng tiếng Việt, nên các em học chậm và không hiểu. Chính vì vậy đồng bào kiến nghị ở cấp tiểu học và mẫu giáo cần học song ngữ; giáo viên dạy học biết tiếng dân tộc để truyền đạt và có thêm chữ viết của người dân tộc”, tiến sĩ Hoàng Cầm kể lại.


Theo tiến sĩ Hoàng Cầm, qua tham vấn ở 5 cộng đồng dân tộc tại các vùng khác nhau nhìn chung, đồng bào quan tâm tới 3 lĩnh vực góp ý trong Hiến pháp sửa đổi: Quyền tự quyết trong thực hành văn hóa (điều 5), quyền sử dụng đất đai (điều 58), quyền học tập (điều 42). Theo đồng bào, tại điều 5 liên quan đến lĩnh vực văn hóa nên bỏ từ “tốt đẹp” tại khoản 3 của cụm từ “văn hóa tốt đẹp của mình” lý do văn hóa luôn có sự khác biệt và đa dạng, phong tục tập quán của mỗi tộc người thì có một giá trị, một vai trò nhất định đối với cộng đồng, mỗi cộng đồng chủ nhân.


Vấn đề thứ hai là hình thức sở hữu cộng đồng, bởi đây là hình thức sở hữu quan trọng không chỉ trong đời sống kinh tế của họ, mà trong cả vấn đề tâm linh và văn hóa.


Vấn đề thứ ba liên quan đến giáo dục. Các nhóm dân tộc học song ngữ rất tốt bởi giúp học sinh dân tộc tiếp thu nhanh hơn. “Đây là 3 nhóm vấn đề chính mà các nhóm dân tộc kiến nghị vì liên quan thiết thực tới đời sống hàng ngày của họ”, ông Hoàng Cầm nhận xét.


Anh Má A Pho, ở xã Sa Pả (huyện Sa Pa, Lào Cai) chia sẻ: “Cần có tiếng dân tộc bởi nếu dịch ra tiếng dân tộc, chúng tôi đọc mới hiểu. Có một thực tế, nhiều người Mông khi vi phạm ra tòa, thẩm phán đọc anh ta vi phạm điều nọ điều kia nhưng đương sự không rõ vi phạm cái gì”.

 

Người dân hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ


Ông Lê Quang Bình, Viện iSEE cho biết: “Hiến pháp có những phạm trù tương đối khó hiểu, do vậy, khi tham vấn ý kiến đồng bào, bên cạnh giải thích kỹ, chúng tôi còn hướng tới những câu chuyện từ đời thường. Nhiều bà con cho biết, có nghe đến từ “Hiến pháp” trên báo đài nhưng khó hiểu nội dung. Chính vì vậy, chúng tôi vận dụng từ những câu chuyện thực tế trong cuộc sống để cho thấy “Hiến pháp” thiết thực với cuộc sống”.


Còn bà Dương Thị Xuân, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho biết: “Khi chúng tôi đi lấy ý kiến của phụ nữ tại các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc, họ kiến nghị không nói là “dân tộc thiểu số” và cần có những chính sách cho người dân tại vùng miền núi cho công bằng. Thực tế, nhiều người Kinh lên sống ở vùng đồng bào dân tộc như Hà Giang, nhưng họ ít được chính sách quan tâm như là đồng bào dân tộc”.


Theo ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội: Đây là cách làm hay để người dân hiểu về việc sửa đổi trong Hiến pháp, đồng bào được nghe và được bàn với những vấn đề liên quan thiết thực với họ. Cách thức tập hợp ý kiến và trình bày là khá công phu, dễ hiểu và có thể là mô hình có thể tiếp thu nhân rộng.



Bài và ảnh: Phương Thảo - Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN