Đồng bào Khơ Mú lấy nước mới ngày Tết

Mùa xuân, khi hoa đào, hoa mận phủ kín những vạt đồi quanh bản làng người Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cũng là lúc mọi người dọn dẹp nhà cửa, mổ lợn, làm bánh chưng, sắp xếp công việc để đón Tết cổ truyền. Một trong những phong tục đẹp, gắn liền với nền văn minh lúa nước là tục lấy nước mới đầu năm vẫn được người dân nơi đây lưu truyền, với mục đích giáo dục cho con cháu biết giữ nước, giữ rừng, quý trọng thiên nhiên.

 

Đồng bào dân Khơ Mú ở đây có trên 1.500 người, tuy số lượng không lớn nhưng đồng bào luôn có ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Có đời sống thuần nông, nên đồng bào Khơ Mú từ xưa đã biết giữ nước, giữ rừng để có nước tưới đảm bảo cho quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp. Quý trọng nguồn nước, tổ tiên đồng bào Khơ Mú đã sáng tạo ra tục lấy nước đầu xuân như một hoạt động mang lại niềm vui, sự may mắn cho gia đình, cộng đồng mỗi dịp đầu xuân, năm mới.

 

Người phụ nữ trong gia đình đi lấy nước mới. Ảnh: baoyenbai.com.vn


Theo quan niệm của người Khơ Mú, tục lấy nước vào buổi sáng đầu năm mới là một việc làm quan trọng, thể hiện cách ứng xử của người dân với môi trường thiên nhiên và các quan niệm về vai trò của nước trong cuộc sống. Khác với tục lấy nước của một số dân tộc khác, người lấy nước cho mỗi gia đình không phải là chủ các gia đình, mà là những cô gái khỏe mạnh, con cháu của các gia đình. Theo quan niệm của người Khơ Mú ở Nghĩa Sơn, người phụ nữ trong gia đình là người giữ vai trò quan trọng hơn cả, là người hết mực thương yêu, chăm sóc cho gia đình, luôn cầu mong những điều tốt đẹp cho gia đình, người phụ nữ lại là người lo liệu và phụ trách việc bếp núc, cấy cầy và gieo trồng, do vậy nước gắn chặt với công việc hàng ngày của người phụ nữ. Vì thế, người phụ nữ là người sẽ đi lấy nước mới trong ngày đầu năm cho toàn thể gia đình để mong nhận được nhiều may mắn trong năm mới.

 

Ông Vì Văn Thanh, thôn Nậm Tộc, xã Nghĩa Sơn chia sẻ: "Theo phong tục của người Khơ Mú từ ngày xưa chúng tôi, làm ăn phải dựa vào nước cho nên vào ngày Tết Nguyên đán hàng năm mọi người trong bản đều đi múc nước mới, như vậy mới có sức khỏe và làm ăn phát đạt".

 

Vào sáng sớm ngày mùng 1 Tết, các thiếu nữ Khơ Mú đến nơi chuẩn bị dụng cụ đựng nước để đi lấy nước đầu năm. Để có được nguồn nước trong lành, sạch sẽ, các cô gái phải vượt quãng đường xa, lên tận khe nước đầu nguồn, chắt chiu từng giọt nước tinh khiết nhất từ trên cao chảy xuống. Người Khơ Mú quan niệm, đầu năm lấy được nguồn nước càng trong lành, sạch sẽ thì năm đó gia đình khỏe mạnh, làm ăn gặp nhiều may mắn.

 

Em Vì Thị Thoại ở thôn Nậm Tộc 1, xã Nghĩa Sơn cho biết: "Đầu năm mới nào em cũng đi lấy nước. Mỗi lần đi lấy nước tuy vất vả nhưng chúng em mong muốn lấy được nước sạch để đem về phục vụ gia đình, để cho gia đình gặp nhiều may mắn và tràn đầy niềm vui".

 

Người phụ nữ lấy nước mới rót nước mới đầu năm cho các thành viên trong gia đình uống. Ảnh: baoyenbai.com.vn


Khi các cô gái đi lấy nước, các thành viên trong gia đình cũng thức dậy dọn dẹp nhà cửa và cùng quây quần bên bếp lửa bập bùng, hàn huyên chuyện trò chờ đợi nguồn nước mới mang về đem theo những điều may mắn. Nước mới lấy về được chọn ra một ống rót cho các thành viên trong gia đình mỗi người một chén để lấy may. Đại diện con, cháu bưng nước mời các thành viên trong gia đình để bày tỏ tình cảm, sự kính trọng. Theo quan niệm, nguồn nước đầu tiên của khe nước trong năm mới sẽ mang lại sức khỏe và những điều tốt lành. Cùng với việc rót nước mời các thành viên gia đình, nước mới cũng được rót để thờ cúng tổ tiên, thờ ma nhà, số còn lại được dùng để nấu nướng, chế biến thức ăn trong những ngày Tết. Điểm đặc biệt ở tục lấy nước của người Khơ Mú ở Nghĩa Sơn là trong quá trình lấy nước, các cô gái sẽ bí mật lựa chọn một hòn đá may mắn dưới lòng suối sâu coi như bắt được của trong ngày đầu năm mới.

 

Ông Vì Văn Sang, thôn Nậm Tộc, xã Nghĩa Sơn cho biết thêm: Trước khi nhặt hòn đá, người nhặt phải nhắm mắt, những hòn đá đã được mang về như món quà đầu năm, đem chia vui cho các thành viên trong gia đình để mọi người cùng phán đoán, tiên lượng về những điều hên, xui trong năm mới. Bên ly nước mới, cả gia đình cùng trò chuyện kể cho nhau nghe những câu chuyện đầu năm, hỏi han động viên nhau cùng cố gắng trong năm mới.

 

Tục lấy nước đầu năm mới của người Khơ Mú ở Nghĩa Sơn là tục lệ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Qua phong tục này giáo dục con cháu phải biết bảo vệ và giữ gìn nguồn nước, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường để phục vụ đời sống sản xuất và sinh hoạt. Trước đây, khi lấy nước mới về mọi người trong gia đình còn cân nước để đánh giá, xem xét về môi trường, nguồn nước, chỉ bảo con cháu chủ động trong sản xuất. Cùng với thời gian, trước tác động của đời sống sinh hoạt, nay tục cân nước đã bớt đi để giảm những thủ tục rườm rà, nhưng những giá trị và ý nghĩa nhân văn của tục lệ này vẫn còn nguyên vẹn. Mỗi dịp năm mới gia đình nào cũng chuẩn bị dụng cụ, lựa chọn con cháu đi lấy nước đầu năm chờ mong một năm mới làm ăn gặp nhiều may mắn, mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh.

 

Tục lấy nước đầu năm là một trong những nét văn hóa đẹp trong kho tàng văn hóa đặc sắc của dân tộc. Trải qua thời gian, những phong tục đó có ít nhiều thay đổi để phù hợp với đời sống sinh hoạt và chủ trương xây dựng đời sống văn hóa mới. Tuy nhiên những giá trị nhân văn đặc sắc và ý nghĩa của tục lệ này vẫn được lưu truyền phát triển qua nhiều thế hệ, để mỗi dịp Tết đến xuân về, đồng bào Khơ Mú ở Nghĩa Sơn lại thực hiện với niềm vui, ước vọng một năm mới tốt lành hơn.

 

 

Tuấn Anh-TTXVN

Lễ hội Mah grợ và điệu múa Vêr guông của dân tộc Khơ Mú
Lễ hội Mah grợ và điệu múa Vêr guông của dân tộc Khơ Mú

Người Khơ Mú cư trú tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ như Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và một phần ở Tây Nghệ An, có đời sống tinh thần phong phú, trong đó nổi bật là lễ hội Mah grợ và điệu múa Vêr guông (Velr guông).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN