Cha già Jrai và những đứa “con nhặt”

Không giàu có về tiền bạc, nhưng hai vợ chồng người đàn ông Jrai ở làng Ghè, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ (Gia Lai) có con tim giàu lòng yêu thương con người. Cái tình cái nghĩa của con người nơi chốn đồng rừng ấy được người dân khắc ghi trong cả những câu chuyện cho lũ làng mỗi ngày trên nước trên rẫy, trong cả lời ca đứa trẻ khi ngủ, cả trong lễ thổi tai, lễ Pơ thi ở chốn này.


Những đứa con “nhặt”


Tôi ngồi với già Kpuih Dong ở làng Ghè khi buổi chiều dần lãng đãng nhả những hạt nắng cuối cùng xuống cỏ cây đại ngàn. Già Dong đang đợi người vợ tần tảo của mình và mấy đứa con đi làm rẫy về. Câu chuyện tôi nghe được về già là một cặp vợ chồng không có con đẻ, nhưng lại có đến mấy chục đứa con nuôi. Bây giờ, nhiều đứa cũng đã có nhà cửa đàng hoàng, vợ chồng con cái đùm đề.

Già Kpuih Dong (thứ 3 từ trái sang) bên những đứa con, đứa cháu của mình.


Rít một hơi dài từ cái tẩu thuốc cũ mèm đã lên nước đen bóng, già Dong kể. Hồi ấy vợ chồng đến với nhau, đã mấy mùa rẫy trôi qua rồi, con chim cũng đẻ không biết bao nhiêu lần, con thú trong rừng đã qua mấy mùa động đực rồi, vậy mà vợ chồng vẫn chưa có gì. Nỗi khát khao muốn có đứa con để bồng ẵm như mọi người cứ giằng xé đôi vợ chồng trẻ trong ngôi nhà hun hút sâu giữa rừng già. Có lẽ Yàng thương đôi vợ chồng này, nên một ngày cuối năm 1965, khi già Dong qua Phú Mỹ, huyện Chư Prông (Gia Lai), nhìn thấy cậu bé người Jrai đi lang thang, gặng hỏi, ông biết cậu bé Rah Lan Than rất cô đơn vì cả cha, mẹ đều chết, tuổi cháu mới vừa tròn 5 mùa rẫy. Cái bụng của già lấn cấn mãi chuyện cậu bé có đôi mắt sáng ấy. Già nghĩ: “Mình mãi mà không có được đứa con cho vui cái bụng. Vợ mình cũng buồn. Hay mình đem nó về nuôi!”. Nghĩ vậy rồi già quyết định đưa Rah Lan Than về và nói với vợ. Vợ đồng ý. Thế là từ bữa ấy, gia đình có thêm một thành viên.


Đến năm 1969, gia đình già lại mở rộng cửa cưu mang thêm Rơ Mah Phin và Rơ Mah Dang bởi bố mẹ Phin và Dang bị địch bắn chết. Năm 1974, khi đang hành nghề xe ôm chở khách gần khu vực Bệnh viện thị xã Pleiku, già lại nghe thấy tiếng khóc ở trong thùng phuy, nhìn vào đó, già thắt lòng khi thấy đứa bé Mỹ lai mặt mày tím ngắt, cái bụng già lại quặn lên mà không thể làm ngơ. Rồi già lại đón đứa bé ấy về cho vợ nuôi và đặt tên là Y Nhon. Rất tiếc, khi Y Nhon mới chập chững biết đi, lại bị “Yàng” bắt đi vì hồi ấy, trẻ ốm, làng không có bác sĩ và cũng chẳng có thuốc chữa bệnh.


Già Dong nhớ lại, cách đây đúng 18 năm, vào một buổi tối trời mưa, hai đứa trẻ đứa lớn khoảng chừng 6 tuổi, còn đứa nhỏ 3 tuổi ướt sũng, cõng nhau đến dưới gầm sàn nhà già rồi chẳng chịu rời đi. Ai hỏi gì chúng cũng không nói nhưng nếu hỏi đúng ý thì chúng gật đầu thay cho câu trả lời. Già hỏi: “Đi đâu?”, cả hai đều không trả lời. Già hỏi tiếp: “Muốn ngủ ở đây à?”, cả hai đều gật đầu đồng ý. Thương hai đứa trẻ run lên vì lạnh và đói, già lấy quần áo khô thay cho chúng, cho chúng ăn cơm và cho ngủ qua đêm. Đến sáng, già hỏi nhà của hai đứa trẻ để đưa chúng về trả cho gia đình nhưng cả hai chỉ khóc và một mực đòi sống ở đây cùng già. Thì ra, bố mẹ của hai đứa đều đã chết, chúng được một người bác ruột nhận về nuôi nhưng vì kinh tế gia đình cũng chẳng mấy dư dả, thiếu trước hụt sau nên anh em cõng nhau rời khỏi nhà đi lang thang. Và có lẽ đã là duyên phận nên chúng đã dừng chân đúng nhà già Dong.


Không dừng lại ở đó, cứ thấy đứa trẻ nào bị bỏ rơi già lại đưa về nuôi. “Hồi mới giải phóng năm 1975, tuy phải ăn củ mì, củ mài nhưng vợ chồng già Dong lại rất hào hiệp, biết nhường cơm, sẻ áo cho những đứa con cơ nhỡ. Có lúc trong nhà sàn của vợ chồng già giống hệt trại trẻ mồ côi vậy!”, ông Rơ Lan Bếch, trưởng thôn làng Ghè nói đầy vẻ tự hào. Để có đủ tiền, gạo nuôi hàng chục đứa con, vợ chồng già phải tay cuốc, vai gùi, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”.


Hạnh phúc của người cha già


Bằng tấm lòng nhân ái sâu nặng, hàng chục đứa bé không nơi nương tựa đã được vợ chồng già Dong chăm sóc, nuôi dưỡng như con đẻ của mình. Vẫn chưa yên tâm, vợ chồng già Dong còn lo cho các cháu có việc làm, có nhà riêng và gia thất đề huề. Đến nay, hầu hết những đứa trẻ ấy đều trở thành công nhân cao su của Đội sản xuất số 9 (Công ty 74 - Binh đoàn 15), có của ăn, của để. Trong đó, Kpuih Vinh đã phấn đấu trở thành Bí thư Đảng ủy thôn của làng Ghè. Dù bây giờ những đứa con đã ra ở riêng, nhưng vẫn luôn ghi nhớ tấm lòng thơm thảo của cha mẹ nuôi. Bây giờ, trong nhà của già Dong vẫn còn có tới 7 anh, chị khác đều là con nuôi của già. Các anh chị khác đã được già nuôi dưỡng đến khi trưởng thành, rồi dựng vợ gả chồng, cho ra ở riêng, hướng dẫn cách phát triển kinh tế gia đình. Già Dong bảo: “Chúng đều là những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, không ai nuôi dưỡng nên mình thương và muốn cho chúng một cuộc sống có gia đình!”.


Và cuộc sống của những đứa trẻ không nơi nương tựa đã được già Dong nuôi dưỡng bằng tình yêu cao cả, thiêng liêng tình yêu của một người Jrai. Kpuih Dre, một người con tâm sự: “Lúc ấy mình 5 tuổi, cha mẹ chết, mình và chị gái bơ vơ không nơi nương tựa. Cha Dong của mình đã đón nhận và cho mình một cuộc sống có cha mẹ, có gia đình. Rồi đến khi trưởng thành, chính cha Dong lại vun vén, tích góp để có của “hồi môn” cho từng đứa con khi chúng lập gia đình, ra ở riêng. Nếu trước đây mình chỉ có hai chị em thì bây giờ mình có một đại gia đình với rất nhiều anh chị em và các cháu. Cảm ơn cha Dong đã cho hai chị em một cuộc sống ấm no. Cảm ơn cha Dong đã cho mình một gia đình mới. Nhờ lao động chăm chỉ vợ chồng mình đã trồng được 7 ha cao su tiểu điền, 2 ha cà phê, hơn chục ha điều, 700 trụ tiêu, nuôi cả heo, bò, trâu, mỗi năm thu lợi đến 400 triệu đồng. Mình làm nhà ngay bên nhà của cha Dong để có thể chăm sóc cha lúc tuổi già!” .


Giờ đây, già Dong đã phần nào yên tâm về cuộc sống của những đứa con, vì “lũ nó bây giờ không giàu có nhưng kinh tế đã ổn định, có thể an tâm được rồi!”, già Dong cười hạnh phúc. Các con lớn lên đều đã lập gia đình riêng, già Dong giờ cũng đã “lên chức” ông với 14 đứa cháu, lên chức cụ với 4 đứa chắt sớm hôm quây quần. Lúc chia tay tôi, già Dong bảo: “Cả cuộc đời già không phải là người giàu có nhưng có gì ăn nấy, già ăn cơm thì lũ nó cũng được ăn cơm, già ăn rau lũ nó cũng ăn rau, sướng khổ đều có nhau và đứa nào già cũng cho đi học, biết chữ sau này còn biết làm ăn, xây dựng gia đình riêng. Bây giờ lũ nó đã khôn lớn thành người, già cũng thấy mừng!”. Tôi nhìn thấy trong mắt già Dong niềm hạnh phúc viên mãn. Chiều đại ngàn mênh mang, chợt nhớ lại lời của già Dong: “Người Tây Nguyên mình sống phóng khoáng nhưng chân thật, tình nghĩa lắm, như con nước chảy mãi trong lòng đất thôi không bao giờ thay đổi...!”.


Bài và ảnh: Gia Ly - Minh Ngọc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN