Cánh chim đầu đàn của đồng bào Cor Trà Bồng

Ở tổ 4, thôn 2, xã Trà Giang, huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), già Đến được coi như cánh chim đầu đàn dẫn dắt buôn làng, là cầu nối gắn kết lòng dân với ý Đảng. Năm 2015, già Đến đã vinh dự được Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011- 2015.


Già Đến tên thật là Hồ Văn Đến, sinh năm 1956. Là người con của đồng bào Cor, già sớm giác ngộ cách mạng và đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. 14 tuổi, tình nguyện vào Quân khu V, đến năm 1978, thì về quê hương Trà Giang tham gia công tác ở xã. Từ một kiểm lâm viên, do có năng lực, già lần lượt được bầu là Bí thư Đoàn xã, Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã…

Già làng Hồ Văn Đến (áo trắng) truyền đạt chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước đến bà con trong thôn.

Năm 2014, đến tuổi nghỉ hưu, già Đến được bầu là Bí thư Chi bộ thôn 2. Ngày đầu về thôn, điều khiến già Đến buồn nhất là cuộc sống của đồng bào nghèo khó quá. Thôn chỉ có 15 hộ dân với 56 nhân khẩu, nằm biệt lập giữa đại ngàn heo hút, điện không có, đường không có, người dân như càng xa lạ hơn với xã hội. Thương bà con, già Đến đi lại liên tục, đem những thông tin thu thập từ xã về kể cho dân bản, rồi đem những kinh nghiệm tích lũy được từ những lớp tập huấn để truyền lại cho thanh niên trong làng vận dụng phát triển kinh tế. Già Đến tâm sự: “Ban đầu làm công tác tuyên truyền vất vả lắm, bà con có hiểu mình nói gì đâu. Nhiều người còn nói vui, già đi thì già biết chứ chúng tôi có đi đâu”. Thế nhưng, nhận thức được vai trò “cầu nối” của mình, già Đến vẫn lặng lẽ đem chủ trương của Đảng, Nhà nước truyền đạt lại cho dân làng, dần dà nó trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu đối với họ.

Thành công hơn là việc già Đến đã giúp dân bản dần quen với nếp sống văn minh. Chuồng lợn, chuồng bò được dựng cách xa nhà, quét dọn gọn gàng. “Già Đến thương dân lắm. Nhờ già Đến mà mình được ăn no, sống sạch. Giữ vệ sinh thì sức khỏe mới tốt, mới sống lâu”, bà Hồ Thị Út Sơn phấn khởi nói.

Già Đến (áo trắng bên phải) cùng người dân trong thôn tham gia bảo vệ rừng nguyên sinh.

Già Đến còn dạy dân biết đoàn kết, biết tuân thủ pháp luật, nhờ vậy an ninh trật tự trong thôn luôn đảm bảo. Mấy chục năm qua, thôn chưa có trường hợp nào phạm pháp. Sự đoàn kết thể hiện rất rõ qua cách đồng bào đón tiếp khách lạ. Khách của gia đình này cũng là khách của gia đình kia, họ tập trung đông đủ như người một nhà, cùng ăn chung, cùng uống chung, cùng thết đãi khách bằng những món đặc sản do mỗi nhà đóng góp.

Những đứa trẻ trong thôn cũng được già dạy cho cách lễ phép, kính trên nhường dưới. Để thế hệ con cháu được đến trường học chữ, vào đầu tuần, già Đến tình nguyện đi bộ hàng giờ đồng hồ đưa con em xuống núi ở nhờ nhà bà con. Rồi cuối tuần già lại lặn lội xuống rước về thăm bố, mẹ. Tình hình ốm đau của học sinh cũng được già Đến theo dõi, thông báo kịp thời cho phụ huynh đón về chăm sóc. Nhân tiện già còn mua hàng hóa dưới xuôi mang lên cho đồng bào khi có ai đó nhờ. Bên cạnh đó, già còn khuyên đồng bào không được xâm phạm đến rừng già, vận động bà con phải biết dựa vào rừng mà sống. Càng tự hào khi trong thôn có rất nhiều người học theo tấm gương của già Đến mà nên người, được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hiện toàn thôn có 9 đảng viên.

Phó Bí thư xã Trà Giang Hồ Văn Trường khẳng định nếu không có già Đến, việc quản lý các hộ dân ở đây sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì trở ngại về nhiều mặt, nhất là giao thông. Cũng nhờ già mà đồng bào biết đoàn kết vươn lên trong cuộc sống.

Vĩnh Trọng
Lễ hội cầu mưa của dân tộc Khơ Mú
Lễ hội cầu mưa của dân tộc Khơ Mú

Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đồng bào dân tộc Khơ Mú đến từ tỉnh Điện Biên đã tái hiện Lễ cầu mưa, nghi lễ nông nghiệp đặc trưng tiêu biểu trong đời sống kinh tế cũng như văn hóa truyền thống của người Khơ Mú.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN