Đà Nẵng: Nhiều bất cập trong công tác điều trị F0 tại nhà

Trong khoảng hai tuần gần đây, tại Đà Nẵng, số ca mắc COVID-19 tăng cao, trung bình trên 1.000 ca/ngày. Đa số các ca mắc không có triệu chứng đều được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, do nhân lực mỏng, việc cử nhân viên y tế đến tận từng nhà để xét nghiệm đã không thực hiện hiệu quả. Nhiều F0 tự đến Trạm Y tế, hoặc cơ sở y tế để xét nghiệm, điều này dấy lên lo ngại việc "thả nổi" F0 trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế quận Sơn Trà, hành phố Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh tư liệu: Trần Lê Lâm/TTXVN

Nhiều bất cập trong điều trị F0 tại nhà

Trong quá trình điều trị F0 tại nhà, mặc dù thiếu nhân lực y tế, tuy nhiên, một số Trạm Y tế lưu động đã quá máy móc gây ra khó khăn cho người dân.

Gia đình bà L.T.H. (trú tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) gặp nhiều khó khăn khi khai báo F0 với Trạm Y tế phường và bị bác sĩ điều trị từ chối hỗ trợ do chưa có giấy xác nhận mắc COVID-19 từ cơ sở y tế.

"Gia đình tôi đã có một người mắc COVID-19 trước đó và khi mẹ tôi được test nhanh tại nhà có kết quả dương tính, đã chủ động báo với Trạm Y tế phường. Nếu ngay từ đầu, Trạm Y tế phường Hòa Hải không có đủ kit test, có thể yêu cầu chúng tôi mua đến để Trạm thực hiện việc test khẳng định và lập danh sách cho mẹ tôi vì bà tuổi cao và có bệnh lý nền. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Trạm Y tế, mẹ tôi là F0 phải di chuyển đến cơ sở xét nghiệm, trong tình trạng sốt cao. Do nơi xét nghiệm quá đông người, không kịp cấp giấy khẳng định,  bà nên không được nằm trong danh sách theo dõi và bác sĩ điều trị F0 tại nhà từ chối hỗ trợ”, chị H. chia sẻ.

Anh N.V.S. (trú tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) mắc COVID-19, trong quá trình điều trị, cần giấy xác nhận điều trị F0 của chính quyền để báo cáo với cơ quan và hoãn chuyến bay công tác. Tuy nhiên, nhân viên y tế giải thích không thể gửi kịp được, do người làm việc này cũng vừa mắc COVID-19. Anh S. thắc mắc: “Theo quy định tôi tìm hiểu được, khi điều trị F0 tại nhà, phải có giấy xác nhận điều trị, để người bệnh báo cáo với cơ quan giải quyết chế độ. Tuy nhiên, với lý do thiếu người, chậm giải quyết đã làm ảnh hưởng đến công việc của tôi. Theo tôi, ngành Y tế cần có giải pháp hợp lý, để giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan giấy tờ xác nhận.”

Đưa ra những vướng mắc gặp phải khi triển khai điều trị F0 tại nhà, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn cho hay, hiện quận đang gặp nhiều khó khăn trong việc đấu thầu sinh phẩm, do giá quy định của Bộ Y tế quá rẻ, dẫn đến không có nhà thầu nào tham gia. Do đó, quận phải động viên người mắc F0 đến cơ sở y tế để tự xét nghiệm hoặc tự mua test về xét nghiệm.

Ngoài ra, các Trạm Y tế hiện đang quá tải vì lượng bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại nhà quá nhiều. Lực lượng y tế không đủ khả năng để bao quát hết các ca bệnh, một nhân viên y tế một ngày phải giám sát từ 150 ca đến 200/ngày. Bên cạnh đó, nhiều người dân chưa tự giác khai báo khi test nhanh dương tính, đến lúc bệnh trở nặng mới gọi lên các Trạm Y tế, điều này khiến các Trạm Y tế không thể nắm được danh sách, gây khó khăn trong việc điều trị.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, hiện quận Ngũ Hành Sơn có 7 Trạm Y tế lưu động, đang điều trị 3.800 ca mắc COVID-19. Quận đã tăng cường nhân lực từ Đoàn Thanh niên, cộng tác viên. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này chỉ tham gia giải quyết vấn đề hành chính và không thể làm công tác chuyên môn.

Cũng gặp khó khăn trong vấn đề nhân lực y tế, bác sĩ Võ Văn Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải Châu cho biết, hiện quận đang điều trị trên 3.000 bệnh nhân mắc COVID-19 tại nhà, mỗi ngày ghi nhận từ 250-300 ca mắc mới. Số ca mắc mới hàng ngày tăng cao, lực lượng y tế quá mỏng (mỗi phường chỉ có 15 nhân viên y tế), mỗi nhân viên y tế phải giải quyết nhiều việc như làm hồ sơ, thăm khám các bệnh nhân nặng, giải quyết các vấn đề bảo hiểm xã hội… Điều này dẫn đến việc phải để các bệnh nhân mắc COVID-19 tự đến các cơ sở y tế để xét nghiệm.

Theo bác sĩ Võ Văn Đông, về nguyên tắc điều trị F0 tại nhà, các bác sĩ phải đến nhà để xét nghiệm cho bệnh nhân. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, không đủ nhân lực để đến từng nhà.

Linh hoạt, tận dụng tối đa nguồn lực trong điều trị F0 tại nhà

Tại buổi họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch thành phố Đà Nẵng ngày 28/2, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trương Văn Trình nhận định, trong những ngày tới, tình hình dịch bệnh sẽ ngày càng phức tạp, trong đó nổi lên việc nhiều bệnh nhân không khai báo, dẫn đến việc khó quản lý, điều trị.

Ngoài ra, số lượng nhân viên y tế mắc COVID-19 ngày càng tăng, đã ảnh hưởng đến công tác điều trị tại các bệnh viện, công tác theo dõi F0 tại nhà và kế hoạch tiêm chủng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho rằng, số ca mắc COVID-19 tăng, gây áp lực lên các cơ sở y tế. Vì vậy, cả hệ thống chính trị phải cùng tham gia hỗ trợ, chung tay với ngành Y tế trong công tác điều trị F0 tại nhà, với mục đích giảm tải áp lực, khống chế dịch bệnh hiệu quả.

Để giải quyết một số bất cập trong công tác điều trị F0, ngày 2/3, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng có công văn về việc tăng cường điều trị F0 tại nhà/nơi cư trú. Cụ thể, Sở đề nghị Trung tâm Y tế các quận huyện thực hiện một số nội dung:

Người tiếp xúc gần (F1), người có yếu tố dịch tễ, nếu tự làm xét nghiệm test nhanh, thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa được xem là trường hợp bệnh xác định. Kết quả xét nghiệm vào ngày điều trị thứ 7 bằng test nhanh âm tính virus SARS-CoV-2 do người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa thì đủ tiêu chuẩn hoàn thành cách ly, điều trị tại nhà. Trường hợp người dân tự thực hiện xét nghiệm nêu trên không nhất thiết nhân viên y tế phải thực hiện xét nghiệm lại bằng vật tư, sinh phẩm của đơn vị.

Các Trung tâm Y tế tập trung lập danh sách, quản lý, theo dõi, tư vấn, hỗ trợ các trường hợp mắc COVID-19 nguy cơ cao đang điều trị tại nhà (phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 3 tháng tuổi, người trên 65 tuổi, người có bệnh nền đang không ổn định, người chưa tiêm đủ liều vaccine); Hướng dẫn Trạm Y tế quản lý F0 điều trị tại nhà một cách khoa học, thuận tiện, linh hoạt, tận dụng tối đa nguồn nhân lực của địa phương; Không thực hiện các biểu mẫu trước đây, tránh mất nhiều thời gian, công sức nhân viên y tế Trạm Y tế.

Theo Sở Y tế, hiện nay, ứng dụng quản lý cách ly tại nhà đã bổ sung thêm một số chức năng giúp nhân viên y tế thuận tiện trong việc quản lý, theo dõi F0 điều trị tại nhà, nhất là các trường hợp nguy cơ cao. Do đó, Trung tâm Y tế các quận, huyện cử một cán bộ đầu mối phối hợp với Sở Y tế về công tác nhập liệu thông tin F0 vào ứng dụng quản lý cách ly tại nhà.

Võ Văn Dũng (TTXVN)
Đà Nẵng: Bệnh viện Dã chiến quá tải trong thu dung, điều trị
Đà Nẵng: Bệnh viện Dã chiến quá tải trong thu dung, điều trị

Ngày 28/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN