Nhiều căn nhà tạm, nhà nổi tại khu vực âu thuyền khiến cảnh quan tại khu dân cư Lại Tân, phường Dương Nỗ trở nên nhếch nhác.
Hiện, chính quyền quận Thuận Hóa đang nỗ lực tuyên truyền, vận động các trường hợp trên tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại nguyên trạng; kêu gọi sự chung tay hỗ trợ từ cộng đồng để ổn định đời sống cho người dân.
Tại khu vực âu thuyền của khu tái định cư Lại Tân, phường Dương Nỗ, nhiều căn nhà tạm bằng tôn, che bạt được dựng trên mặt nước, bến thuyền và phần đất trống, vỉa hè khiến cảnh quan nơi đây trở nên nhếch nhác. Đa phần các hộ dân này đều thuộc diện khó khăn, không có công việc ổn định.
Tổ trưởng Tổ dân phố Lại Tân Nguyễn Văn Trường Phúc cho biết, 16 năm trước, ngoài cấp đất, Nhà nước còn hỗ trợ người dân 15 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Nhờ vậy, cuộc sống của các cư dân vạn đò bước sang trang mới, con cái được đến trường, cuộc sống ngày càng khấm khá. Thế nhưng, bất cập bắt đầu khi nhiều hộ phụ không đủ điều kiện được cấp đất; nhiều hộ đông con không thể sống chung cùng nhà đã lấn chiếm đất công dựng nhà tạm, nhà nổi trên sông để sinh sống. Nguyện vọng của người dân là mong muốn Nhà nước sẽ có chính sách ưu tiên hỗ trợ họ có nơi ở ổn định.
Nhiều năm qua, gia đình chị Nguyễn Thị Cân đã dựng tạm ngôi nhà nổi tại khu vực âu thuyền khu tái định cư Lại Tân, rộng khoảng 15 m2 làm nơi sinh sống của 6 thành viên. Chị Nguyễn Thị Cân kể, năm 2009, khi thực hiện dự án tái định cư cho dân vạn đò, gia đình nhà chồng chị được cấp một lô đất tái định cư ở Lại Tân. Gia đình đã xây dựng một ngôi nhà cấp 4 kiên cố để ổn định cuộc sống. Nhiều năm sau, con cái kết hôn, sinh con nên việc sinh hoạt khó khăn, chật chội. Vợ chồng chị Cân cùng các con đã chuyển ra ngoài, dựng căn nhà nổi trên sông để ở. Dẫu biết dựng nhà để ở trên mặt nước là không đúng quy định và không an toàn nhưng cuộc sống khó khăn nên vẫn cố.
Những căn nhà nổi được dựng trên sông để sinh sống.
Theo thống kê của UBND quận Thuận Hóa, tại khu tái định cư Lại Tân, phường Dương Nỗ hiện có 9 trường hợp đã dựng nhà tạm. UBND phường đã nhiều lần phối hợp với cơ quan chức năng mời gia đình lên làm việc và tuyên truyền, vận động chấp hành tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu. Nhưng do nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh nên 9 trường hợp này chưa chấp hành.
Phó Chủ tịch UBND quận Thuận Hóa Trương Đình Hạnh cho biết, trong 9 trường hợp đã dựng nhà tạm, nhà phao tại khu tái định cư Lại Tân, phường Dương Nỗ, có 8 trường hợp thuộc diện hộ cận nghèo, 1 trường hợp thuộc diện hộ nghèo. Các hộ ở trên đất chiếm dụng nên không đủ điều kiện để hỗ trợ xóa nhà tạm. Để giải quyết tình trạng này, trước mắt UBND quận sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND phường Dương Nỗ và các ban, ngành tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại nguyên trạng ban đầu. Phường sắp xếp lại các khu vực để đảm bảo cảnh quan môi trường cũng như an toàn cho người dân trong mùa mưa bão; kêu gọi sự chung tay của các tổ chức đoàn thể, cộng đồng để hỗ trợ nhằm ổn định đời sống cho người dân. Quận cũng tiến hành kiểm tra, rà soát để báo cáo với UBND thành phố Huế nghiên cứu phương án xử lý kịp thời, tránh tình trạng phát sinh lấn chiếm đất làm nhà tạm nhiều hơn về sau.
Một số hộ dân tận dụng mui thuyền cũ hoặc mái tôn để dựng nhà tạm ở phần đất trống cạnh khu dân cư do nhà nước quản lý làm nơi ở.
Năm 2009, UBND tỉnh Thừa thiên - Huế (nay là thành phố Huế) đã ban hành Quyết định số 1448/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh dự án định cư cải thiện cuộc sống của dân vạn đò thành phố Huế. Có khoảng 1.000 hộ dân vạn đò trên sông Hương thuộc các phường Phú Bình, Phú Hiệp, Phú Hậu, Vỹ Dạ, Phú Mậu… đã lên bờ định cư, ổn định cuộc sống. Theo dự án, hộ dân dưới 10 khẩu được giao 1 lô đất; hộ từ 10 - 19 khẩu (hoặc từ 3 đến 4 cặp vợ chồng) được giao 2 lô đất; hộ từ 20 khẩu (5 cặp vợ chồng trở lên) được giao 3 lô đất... để làm nhà ở.
Tại khu tái định cư Lại Tân, dự án đã giao 266 lô đất (204 lô đất cho hộ chính và 62 lô đất cho hộ phụ) và 170 căn hộ liền kề cho 337 hộ với 2.396 nhân khẩu. Tại thời điểm năm 2009, các hộ dân về định cư tại đây đều được Nhà nước cấp đất làm nhà ở hoặc cấp nhà liền kề. Hộ nào có nhân khẩu đông, có nhiều cặp vợ chồng chung sống thì được mua thêm đất hoặc căn hộ liền kề. Tuy nhiên, trong quá trình sinh sống, quy mô gia đình phát triển, có thêm nhiều cặp vợ chồng ở chung một nhà. Với diện tích nhà đất được bố trí ban đầu cho một hộ gia đình không còn đáp ứng điều kiện sống, một số trường hợp đã tận dụng mui thuyền cũ hoặc mái tôn để dựng nhà nổi trên mặt nước, nhà tạm phần đất trống cạnh khu dân cư do Nhà nước quản lý để làm nơi ở riêng.