Do không được sử dụng trong một thời gian dài, nhiều hạng mục của công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng gây lãng phí.
Sân vận động tỉnh Ninh Bình được xây dựng có sức chứa 22.000 chỗ ngồi. Công trình thể thao này từng là niềm tự hào của người dân ở địa phương với đầy đủ hạng mục như sân bóng đá, đường chạy dành cho môn thể thao điền kinh, sân nhảy cao, nhảy xa, đẩy tạ, nhà điều hành … Nơi đây cũng từng là một trong những “chảo lửa” sôi động của Giải V.League từ năm 2007.
Sân vận động tỉnh Ninh Bình bị bỏ không. Ảnh: tinthethao247.org |
Tuy nhiên, từ năm 2015, Sân vận động tỉnh Ninh Bình đã bị bỏ hoang. Do không được sử dụng trong một thời gian dài, nhiều hạng mục của công trình đã xuống cấp nghiêm trọng như hàng loạt ghế ngồi đã bạc màu, vỡ, nhiều mái che, hệ thống cửa của nhà điều hành bị vỡ, lâu ngày không được sửa chữa, mặt sân cỏ mọc cao um tùm...
Việc công trình thể thao được đầu tư xây dựng với kinh phí lên đến hàng chục tỉ đồng, nhưng lại đang bị bỏ hoang, gây lãng phí khiến người dân không khỏi xót xa.
Ông Đinh Văn An (phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình) cho biết, tỉnh Ninh Bình là một trong số ít những địa phương được đầu tư xây dựng sân vận động với những hạng mục như sân bóng đá, đường pitch hiện đại. Tuy nhiên, sân vận động này lại bị bỏ hoang lâu ngày gây lãng phí tiền của Nhà nước. Người dân mong các cơ quan chức năng có các biện pháp nhằm khắc phục, sửa chữa để các vận động viên của tỉnh cũng như người dân có thể sử dụng sân vận động tránh tình trạng lãng phí nghiêm trọng.
Giám đốc Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình Vũ Hồng Minh cho biết, trước đây địa phương có đội bóng, sân vận động được giao cho Câu lạc bộ The Vissai Ninh Bình quản lý, việc quản lý và bảo dưỡng được câu lạc bộ làm rất tốt. Tuy nhiên, từ năm 2015 sau khi đội bóng giải thể, sân vận động này đóng cửa, lâu ngày cỏ dại mọc, một số hạng mục đã bị xuống cấp. Trước thực trạng trên, năm 2016 UBND tỉnh Ninh Bình đã bàn giao sân vận động cho Trung tâm thể dục thể thao tỉnh (thuộc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Ninh Bình) quản lý và sử dụng.
Sau khi tiếp nhận, cán bộ Trung tâm thể dục thể thao tỉnh đã tiến hành cắt cỏ mặt sân, tu sửa lại hệ thống điện nước và một số hạng mục trong nhà điều hành; đồng thời, chuyển một số vận động viên điền kinh của tỉnh ra sân vận động để sinh hoạt và tập luyện. Hiện, Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình đang làm tờ trình gửi UBND tỉnh Ninh Bình để xin kinh phí đầu tư sửa chữa lại một số hạng mục đã xuống cấp, sau đó sẽ chuyển các bộ môn như cầu lông, vật ra sinh hoạt và tập luyện tại đây.
Mặc dù, Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình đã lên kế hoạch để sửa chữa sân vận động, song kinh phí sửa chữa sẽ rất lớn. Bên cạnh đó trong kế hoạch đào tạo vận động viên thành tích cao của tỉnh không có bộ môn bóng đá. Chính vì vậy, việc bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư sửa chữa lại sân vận động cũng cần được tính toán để khai thác có hiệu quả. Đối với sân bóng, Trung tâm thể dục thể thao tỉnh đã kiến nghị với UBND tỉnh Ninh Bình cho phép kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị cải tạo lại thành sân bóng cỏ nhân tạo để mở cửa phục vụ người dân, tránh tình trạng bỏ hoang sân bóng gây lãng phí.
Huấn luyện viên điền kinh Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây các vận động viên không có sân phù hợp để tập luyện mà chỉ được chạy bộ ở sân bình thường. Từ khi các vận động viên được chuyển sang sân vận động việc tập luyện thuận tiện hơn vì có đường chạy phù hợp tại sân.
Tuy nhiên, do lâu ngày không sử dụng nên đường chạy này đã bị xuống cấp. Bên cạnh đó, hiện nay dù đã được sửa chữa nhưng một số phòng ngủ và sinh hoạt của vận động viên vẫn trong tình trạng không có cửa, tường bị bong tróc, gây khó khăn cho việc sinh hoạt của vận động viên sau giờ tập luyện.