Không ai ngạc nhiên về sự thực dụng của Tabarez. Ông vốn xuất thân là một hậu vệ. Biệt danh của vị HLV 71 tuổi này là El Maestro (Giáo viên), ám chỉ công việc đầu tiên của ông.
Những HLV ưu tiên chiến thắng lên trên hết
Trận Uruguay-Bồ Đào Nha sẽ nặng mùi toan tính của hai HLV lão làng Oscar Tabarez (trái) và Fernando Santos |
Suốt 12 năm qua, Tabarez là người có công tạo ra một đội tuyển Uruguay thực dụng và gắn kết, sau khi người hâm mộ Uruguay phát chán với hình ảnh một đội tuyển thừa sự vô kỷ luật, thiếu tính chiến đấu của quá khứ. Ở các kỳ World Cup trước, ấn tượng Tabarez để lại là đưa Uruguay vào bán kết World Cup 2010 và vượt qua bảng đấu tử thần với những cái tên gồm Anh, Italy và Costa Rica tại World Cup 2014.
Dấu ấn Tabarez tiếp tục được thể hiện rõ trong giai đoạn vòng bảng vừa qua. Ngoại trừ chiến thắng 3-0 trước chủ nhà Nga ở lượt đấu cuối cùng khi cả hai đội đều đã vượt qua vòng bảng, hai trận thắng còn lại đều với tỷ số tối thiểu. Kịch bản hai trận đấu này đều giống nhau: Tập trung cho sự vững vàng nơi hàng thủ, và 3 điểm là mục tiêu duy nhất. Trận gặp Ai Cập, hậu vệ Jose Gimenez là người hùng với một cú đánh đầu thành bàn ở cuối trận. Trận gặp Saudi Arabia, Uruguay cũng chỉ cần Luis Suarez lên tiếng là đủ, dù họ hoàn toàn có thể thắng với cách biệt lớn hơn.
Bên kia chiến tuyến, Fernando Santos đầy toan tính không thua gì Tabarez. Ông thành công với tư duy thục dụng từ giai đoạn dẫn dắt đội tuyển Hy Lạp. Tất cả đều nhớ hai chiến tích của Santos với đội tuyển Hy Lạp: Lọt vào tứ kết EURO 2012 và lần đầu vượt qua vòng bảng ở World Cup 2014. Triết lý thực dụng ấy của Fernando Santos được thực hiện triệt để ngay trong giải đấu lớn đầu tiên cùng đội tuyển Bồ Đào Nha: EURO 2016. Bồ Đào Nha khi ấy lên ngôi không hoàn toàn lệ thuộc vào những khoảnh khắc thăng hoa của Cristiano Ronaldo. Họ là một tập thể đoàn kết, khó bị đánh bại, trước khi một cầu thủ tấn công nào đó tạo ra sự đột biến bên phần sân đối phương. Cũng giống như Uruguay của Tabarez, Bồ Đào Nha của Fernando Santos ưu tiên sự chắc chắn. Ngoại trừ trận hòa điên rồ 3-3 với Tây Ban Nha ở lượt đấu đầu tiên, Bồ Đào Nha chỉ ghi thêm 2 bàn ở 2 lượt đấu tiếp theo. Bàn thắng tối thiểu, điểm số vừa đủ để thầy trò Santos góp mặt ở vòng 1/8.
Thế trận rình rập, và đá thêm giờ?
Với hai HLV có triết lý khá giống nhau như thế, không bất ngờ nếu trận đấu vòng 1/8 giữa Uruguay-Bồ Đào Nha diễn ra theo kịch bản “mèo vờn chuột”. Cả hai đều ưu tiên xây dựng hàng thủ kín kẽ, khóa chặt đường vào khung thành của những ngôi sao đối phương. Bộ đôi trung vệ Jose Gimenez-Diego Godin quá hiểu sự lợi hại của Cristiano Ronaldo tại La Liga, nên họ biết cách làm thế nào để vô hiệu hóa ngôi sao này. Chiều ngược lại, Pepe và hàng thủ Bồ Đào Nha cũng nhận thức rõ tác hại nếu để súng hai nòng Luis Suarez-Edinson Cavani tung hoành trước khung thành đối phương. Mọi kế hoạch ngăn chặn bộ đôi này đã được chuẩn bị.
Sẽ không có nhiều cơ hội cho hàng công đôi bên phô diễn tài năng. Một trận đấu loại trực tiếp luôn khắc nghiệt, và mọi sai lầm dù nhỏ sẽ không còn cơ hội để sửa sai. Phòng ngự chắc, rồi tùy cơ ứng biến, trở thành kế hoạch khôn ngoan nhất trong mắt cả Fernando Santos lẫn Oscar Tabarez. Họ không ngần ngại chơi trò “cò cưa”, đưa trận đấu vượt qua 90 phút chính thức hay thậm chí tiến đến loạt sút luân lưu 11 mét.
Yếu tố nhân sự sẽ trở thành chìa khóa cho mọi toan tính của Fernando Santos & Oscar Tabarez. Mặt khác, trận đấu giữa Uruguay-Bồ Đào Nha không có chỗ cho sự mộng mơ. Thực dụng là chìa khóa cho tấm vé vào vòng tứ kết. 90 phút (hoặc hơn) ở Sochi sẽ mang đến câu trả lời rõ ràng nhất.