Thể thao Việt Nam: Chặng đường 70 năm chinh phục Olympic

Năm 2016, thể thao Việt Nam đã ghi một dấu ấn mới, khi giành được huy chương Vàng đầu tiên ở đấu trường Olympic Rio 2016 – sự kiện thể thao lớn nhất thế giới.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh mang về tấm Huy chương thứ hai cho thể thao Việt Nam tại Olympic Rio ngày 10/8. Ảnh: AFP/TTXVN

70 năm qua, nền thể thao cách mạng Việt Nam đã không ngừng nỗ lực phát triển, từng bước chinh phục những đỉnh cao trên các đấu trường khu vực và thế giới.

Đầu tư đúng - trúng

Trải qua 70 năm phát triển và trưởng thành, với những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, ngành thể dục thể thao luôn giữ vị trí quan trọng góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Thể thao cũng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đóng góp vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế. Không những vậy, việc định hướng phát triển thể thao thành tích cao cũng được áp dụng và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng cho biết: Trước đây, thể dục thể thao nước nhà chủ yếu tập trung cho đấu trường khu vực Đông Nam Á - SEA Games và đầu tư dàn trải ở nhiều môn thể thao. Nhưng nay, ngành đã có những đổi mới căn bản, hướng vận động viên đạt thành tích cao đến các sân chơi quốc tế mang tầm lớn hơn như ASIAD, Olympic... Đồng thời, thể thao Việt Nam rút gọn phạm vi đầu tư, tập trung đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm như: Điền kinh, Bơi, Bắn súng, Cử tạ, Thể dục dụng cụ... Chính từ cách làm mới này, năm 2016, ngành thể thao nước nhà đã đón nhận một kỳ tích mà chưa bao giờ có được.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã xuất sắc giành 1 huy chương Vàng và 1 huy chương Bạc ở môn Bắn súng tại Olympic 2016. Thành tích này của Hoàng Xuân Vinh thực sự đã mang lại niềm vui lớn cho cả dân tộc, là kỳ tích có ý nghĩa lịch sử đối với thể thao nước nhà. Có thể thấy, việc tập trung cho những môn thể thao trọng điểm là chủ trương đúng và trúng của ngành thể thao Việt Nam những năm gần đây. Để thể thao nước nhà tiếp tục phát triển bền vững, trong thời gian tới, ngành tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng, đặc biệt là trong đối tượng thanh thiếu niên, học sinh. Song song với đó là đầu tư và phát triển những môn thể thao trọng điểm, hướng tới những mục tiêu xa hơn, cao hơn và chắc chắn hơn. Ngoài ra, ngành cũng sẽ đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và tính chuyên nghiệp trong thể thao.

Góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, dù đất nước đang trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng một lúc phải lãnh đạo nhân dân ta chống “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” và xây dựng chế độ mới, nhưng với tầm nhìn xa, trông rộng, Đảng ta và Bác Hồ vẫn dành cho công tác thể dục thể thao sự quan tâm đặc biệt.

Ngày 30/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 14 thành lập Bộ Thanh niên Nha Thể dục Trung ương, chính thức khai sinh ra nền thể thao cách mạng Việt Nam với nhiệm vụ “nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc” nhằm “tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”.

Tiếp đó, ngày 27/3/1946, Người thay mặt Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 38 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục. Cùng ngày, Người viết bài Sức khỏe và Thể dục đăng trên báo Cứu quốc, kêu gọi toàn dân tập thể dục.


Tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Thể dục thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2016), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định: Ra đời chỉ 5 tháng sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, ngành thể dục thể thao đã nhanh chóng triển khai tổ chức, điều hành các hoạt động thể dục thể thao nhằm góp phần bồi bổ sức khỏe nhân dân, gây dựng đời sống mới, mạnh và hùng dân tộc.

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, ngành thể dục thể thao đã bền bỉ, nỗ lực triển khai nhiều hoạt động, nhiều phong trào thể dục thể thao thiết thực, hiệu quả, góp phần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao sức chiến đấu của quân và dân, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành thể dục thể thao tiếp tục phấn đấu, phát huy sáng tạo, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách về thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều môn thể thao dần được chuyên nghiệp hóa; thể thao thành tích cao dần tiếp cận với phương pháp tập luyện, thi đấu hiện đại và trình độ khu vực. Không ít môn thể thao có tính truyền thống, nhất là võ thuật đã phát triển mạnh và rộng, trở thành môn thể thao được yêu thích, được đưa vào thi đấu ở các nước, trong các giải khu vực và thế giới.

Ngành thể dục thể thao cũng góp phần quan trọng thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác, đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đối ngoại nhân dân; nâng cao vị thế, vai trò và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Nguyễn Quốc Trị (TTXVN)
Quê hương Quảng Trị chúc mừng xạ thủ Hoàng Xuân Vinh
Quê hương Quảng Trị chúc mừng xạ thủ Hoàng Xuân Vinh

Ngày 29/8, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt và chúc mừng xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, vận động viên đã đoạt HCV và HCB tại Olympic Rio 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN