Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết nước này đã sẵn sàng triển khai các lực lượng đảm bảo an ninh ở mức độ cao nhất từ trước đến nay, đề phòng mọi nguy cơ, từ cổ động viên quá khích cho tới khủng bố hay tội phạm mạng. Theo đó, khoảng 22.000 cảnh sát sẽ túc trực mỗi ngày trong suốt 1 tháng diễn ra giải đấu (14/6-14/7) và không có ngày nghỉ.
Trả lời phỏng vấn báo giới, người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức Lars Harmsen xác nhận, đối với cảnh sát liên bang, đây là đợt triển khai lớn nhất kể từ khi lực lượng này được thành lập vào năm 1951. Cảnh sát Đức sẽ nhận được sự hỗ trợ của các đồng nghiệp đến từ các quốc gia tham gia giải đấu; các biện pháp kiểm soát biên giới trong Liên minh châu Âu (EU) cũng tạm thời được áp dụng lại.
Một thách thức lớn đối với công tác đảm bảo an ninh tại EURO 2024 đó là các trận đấu diễn ra trên khắp 10 thành phố của Đức, trong đó có 4 thành phố ở khu vực đô thị đông dân cư Rhine-Ruhr. Các cổ động viên có thể dễ dàng tiếp cận khu vực này từ các quốc gia lân cận thông qua một số tuyến đường sắt tốt nhất ở châu Âu.
Giải đấu lớn nhất châu lục này tiềm ẩn nguy cơ bạo lực liên quan đến bóng đá, vốn gia tăng đều đặn trên khắp châu Âu kể từ năm 2021. Cảnh sát Anh vào năm 2022 đã báo cáo số vụ bắt giữ nhiều hơn bất kỳ mùa nào trong giai đoạn 2013-2014. Năm 2023, cảnh sát Anh cho biết đã ban hành nhiều lệnh cấm nhất kể từ mùa giải 2010-2011 và số vụ bắt giữ gia tăng so với mùa trước.
Tại Pháp, hơn 100 cảnh sát bị thương trong các sự cố liên quan đến bóng đá trong mùa giải 2022-2023... Trong số những sự cố gần đây, những người ủng hộ hai đội bóng "kình địch" từ Lyon và Paris Saint-Germain đã ẩu đả tại một điểm dừng trên đường cao tốc trước trận chung kết Cúp quốc gia Pháp vào tháng trước. Cùng thời gian đó cũng xảy ra vụ đụng độ giữa người hâm mộ câu lạc bộ Hà Lan Utrecht với cảnh sát khiến một cảnh sát bị thương năng phải nhập viện trong khi nhiều người khác được sơ cứu tại hiện trường.