EURO 2020: Giải đấu thể thao hướng đến bảo vệ môi trường 

Có rất nhiều điều các sân vận động tổ chức bóng đá có thể làm để giảm tác động tới môi trường. Tuy nhiên, trong một giải đấu thể thao quốc tế, việc giảm thiểu khí thải là điều vô cùng khó khăn.

Chú thích ảnh
Màn trình diễn nghệ thuật với 24 trái bóng, biểu tượng cho 24 quốc gia tham dự Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO) 2020 tại lễ khai mạc EURO 2020 ở Rome, Italy ngày 11/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm nay, ảnh hưởng của COVID-19 đã khiến EURO 2020 tổ chức không như những lần trước. Một năm bị hoãn do đại dịch, buộc ban tổ chức nghiên cứu nhiều phương án và chốt lại việc vẫn mở cửa đón cổ động viên nhưng với số lượng hạn chế. Bên cạnh đó, EURO 2020 cũng tổ chức ở 10 quốc gia châu Âu thay vì 1 hoặc 2 nước như thường lệ. 

Có thể nói, EURO 2020 diễn ra trong thời điểm vấn đề bảo vệ môi trường đang được quan tâm, đặc biệt là khi Liên minh châu Âu (EU) đã đặt mục tiêu giảm phát thải 55% vào năm 2020 và giảm phát thải ròng xuống mức 0 vào năm 2050. Mỗi lĩnh vực đều đang được kêu gọi góp phần để đạt được mục tiêu này.

Nhiều người đặt câu hỏi liệu việc tổ chức một giải đấu tại các quốc gia có phù hợp với “lý tưởng xanh” đó hay không. Theo các nhà phân tích, trên thực tế, do phương tiện giao thông là yếu tố lớn nhất góp phần vào lượng khí thải của một giải đấu bóng đá, EURO 2020 năm nay hứa hẹn một giải đấu “sạch” hơn vì sẽ có ít người ra nước ngoài xem các trận đấu hơn.

Nghiên cứu mới công bố cho thấy phần lớn người hâm mộ bóng đá nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ngày càng có nhiều ý kiến mong muốn có sự tương tác giữa bóng đá và vấn đề này. Vì vậy, nhiều sáng kiến đã được triển khai trong thời gian này để các cổ động viên có thể đóng góp phần nào vào việc bảo vệ môi trường trong thời điểm theo dõi các trận đấu bóng đá.

Ví dụ như, dự án Life Tackle, một dự án quốc tế do EU dẫn đầu, với sự tham gia của EURACTIV, đang tìm cách phổ biến những thói quen trong bóng đá có lợi nhất cho môi trường và đang xem xét các thói quen hành động của người hâm mộ. Còn tại Đức, một sáng kiến có tên “Unser Fußball” (Bóng đá của chúng ta) đã được khởi động nhằm thúc đẩy cạnh tranh công bằng cũng như trách nhiệm lớn hơn từ các câu lạc bộ bóng đá đối với xã hội và môi trường. Sáng kiến đã thu được chữ ký của gần 3.000 câu lạc bộ người hâm mộ, đại diện cho tổng số khoảng nửa triệu người hâm mộ.

Ngoài ra, một vấn đề khác cũng đang được xử lý hướng tới việc bảo vệ môi trường đó là mức tiêu thụ điện năng ở các sân vận động. Theo phân tích, sân vận động là nơi sử dụng rất nhiều năng lượng. Lượng điện mà các sân tiêu thụ phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề: thời tiết, thời điểm trong năm, tuổi và kích thước của sân vận động, cũng như liệu sân vận động có mái vòm hay không.

Giáo sư Tiberio Daddi – điều phối viên khoa học của dự án Life Tackle nhấn mạnh: “Tiêu thụ năng lượng không chỉ đến từ ánh sáng của sân mà còn từ các kỹ thuật mà rất nhiều sân có được để kích thích sự phát triển của cỏ. Ví dụ, họ sử dụng một số loại đèn vào mùa Đông để kích thích quá trình quang hợp khi có ít ánh sáng mặt trời. Đây là một tác động rất lớn, khoảng 30% khối lượng tác động theo ước tính của chúng tôi”.

Liên quan đến việc tiêu thụ điện, một số sân có sẵn lợi thế như sân Olympico ở thủ đô Rome và sân Olympic ở thủ đô Baku không cần những phương pháp đặc biệt này để trồng cỏ và không cần làm ấm khu vực ghế ngồi. Vì vậy, có ý kiến kêu gọi các sân vận động khác nghiên cứu và thử làm theo để giảm tác động tới môi trường.

Quang Anh (TTXVN)
EURO 2020: 'Mọi con đường đều dẫn đến thành La Mã'
EURO 2020: 'Mọi con đường đều dẫn đến thành La Mã'

Rạng sáng 12/6, Thủ đô Rome (Italy) là nơi mở màn cho bầu không khí lễ hội của EURO 2020 bằng trận đấu giữa Italy - Thổ Nhĩ Kỳ ở bảng A trên sân Olimpico.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN