Quang Hải là vũ khí trong tay áo của ông Troussier
Vừa trở về từ Pau FC, Quang Hải đang nhận được rất nhiều câu hỏi cũng như sự hoài nghi về phong độ. HLV Troussier sẽ phải giải quyết ổn thỏa bài toán mà Quang Hải gặp phải. Nếu đặt Quang Hải vào đúng chỗ, cầu thủ sinh năm 1997 hoàn toàn có thể trở thành vũ khí trong tay áo của ông thầy người Pháp.
Sở dĩ nói vậy bởi Quang Hải luôn được coi là cầu thủ hay nhất bóng đá Việt Nam trong 5 năm qua. Quãng thời gian dự bị tại Pau FC dù đáng quên, nhưng đủ để anh nhận ra những gì mình còn thiếu và cần cải thiện. Ở tuổi 26, Quang Hải còn rất nhiều thời gian để tìm lại cảm giác bóng vốn có.
Bên cạnh đó, trên lý thuyết, Quang Hải là mẫu cầu thủ mà ông Troussier đang cần. Anh chơi được nhiều vị trí khác nhau như tiền đạo cánh, hộ công, tiền vệ tổ chức. Tại U23 Việt Nam, Văn Trường, Văn Khang, Quốc Việt, Công Đến, Nhật Nam, Thái Sơn… đều được đặt vào những vị trí này, nhưng chưa đủ tầm ảnh hưởng và tiềm năng vươn lên thành ngôi sao như Quang Hải.
Có Quang Hải trong tay, ông Troussier sẽ có tới 3 phương án dùng người chất lượng. Khả năng đưa ra quyết định của Quang Hải vẫn luôn là thứ vũ khí làm nên thương hiệu của anh. Ở chiều ngược lại, ông Troussier cần một "sát thủ" lên tiếng đúng lúc để định đoạt trận đấu.
Dưới thời HLV Park Hang-seo, Quang Hải từng không ít lần chơi bóng ở vị trí tiền vệ tổ chức. Trong sơ đồ 3-4-3, cặp tiền vệ tổ chức Hoàng Đức - Quang Hải có thể coi là lựa chọn tối ưu của HLV Troussier, nhưng sẽ rất lãng phí khi ông Troussier mất đi một nguồn sát thương lớn bên hành lang cánh.
Việc đưa tiền đạo có cái chân trái ma thuật này sang bên cánh trong bộ ba tấn công có lẽ là phương án hoàn hảo nhất. Ở đó, Quang Hải thoải mái để sáng tạo, có nhiều không gian phát triển, chơi bóng. Nếu đưa tiền đạo này sang cánh phải, HLV Troussier còn có thể yêu cầu anh ngoặt bóng đi vào trong và tung ra những pha cứa lòng chết chóc.
Công Phượng là con bài chiến lược
Không chỉ có Quang Hải chơi được nhiều vị trí và sở hữu những pha sút bóng hiểm hóc, trên lý thuyết, HLV Troussier còn cái tên khác là Công Phượng. Tiền đạo thuộc biên chế Yokohama cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự người đàn em tại Pau FC. Anh chủ yếu ngồi dự bị và mới chỉ có khoảng 6 phút hít thở bầu không khí bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản.
Với Công Phượng, HLV Troussier có thể đưa anh đá tiền đạo cánh, hộ công, tiền vệ tổ chức. Thậm chí, ở vị trí tiền vệ tổ chức, tiền đạo người Nghệ An còn được đánh giá cao hơn so với Quang Hải. Anh từng đá vị trí này trong nhiều mùa giải còn thi đấu ở HAGL.
Vấn đề chính mà tiền đạo sinh năm 1995 gặp phải thời điểm hiện tại đó là tốc độ. Ở tuổi 28, tốc độ không còn là điểm mạnh giúp anh khuynh đảo hàng hậu vệ như trước đây. Mất đi khả năng tăng tốc, Công Phượng mất đi nhiều thứ và dễ bị bắt bài, dễ bị đoạt bóng hơn. Vị trí hộ công hoặc tiền vệ tổ chức là phù hợp với cầu thủ xứ Nghệ trên lý thuyết.
Dù vậy, cựu cầu thủ HAGL sẽ phải cạnh tranh rất gắt gao với những Hoàng Đức, Tuấn Anh, Hải Huy, Việt Hưng… Danh tiếng của Công Phượng là có, nhưng nó không mang tính chất quyết định. Anh cần chứng tỏ được phẩm chất đặc biệt với HLV Troussier.
Để Công Phượng đá chính có lẽ là phương án mạo hiểm với ông thầy người Pháp và cả tiền đạo người Nghệ An thời điểm này. Rủi ro đến từ việc anh đã lâu không thi đấu, vừa về tập trung được ít ngày… là rất lớn.
Tuy thế, ông Troussier hoàn toàn có thể đưa Công Phượng vào sân ở giữa hiệp 2 để tận dụng khả năng cầm bóng cũng như kinh nghiệm của anh. Công Phượng có lẽ cũng biết mình đang ở đâu. Anh sẽ tận dụng tối đa cơ hội để ghi điểm trong mắt HLV Troussier.