Xây nhà từ rác thải

Thật khó có thể tin được những mẩu gỗ vụn, những mảnh xương động vật màu ngà hay những biển số xe vứt đi…lại có thể được sử dụng để xây nên một ngôi nhà.


Nhưng chỉ cần một lần quan sát những ngôi nhà do kỹ sư xây dựng Dan Phillips ở thành phố Huntsville (bang Texas, Mỹ) làm ra, bạn sẽ tin ngay.

Ngôi nhà lấy ý tưởng từ thế giới cổ tích này làm hoàn toàn bằng vật liệu bỏ đi. Ảnh: AFP - TTXVN


Những ngôi nhà đặc biệt - kết quả của một trí tưởng tượng phong phú - hầu như chỉ làm từ các vật liệu đáng vứt ra bãi rác. Trong những ngôi nhà đó, sàn được chạm khắc một cách tinh tế từ các mảnh gỗ vụn, kệ bếp làm từ xương trong khi mái nhà được lợp bằng biển số xe cũ. Anh Phillips cho biết, từ hàng trăm nghìn năm nay, con người đã dùng mọi thứ để làm nhà ở và vật liệu xây nhà ở đâu cũng có.

Với ý tưởng xây nhà từ những vật liệu rất đơn giản, Phillips đã thành lập công ty Phoenix Commotion cách đây 12 năm để tạo ra một mô hình nhà ở giá rẻ mà lại bền vững. 13 ngôi nhà anh xây dựng từ trước đến nay có thể được xếp vào một bảo tàng nghệ thuật. Khi đặt trên những khu dân cư ở Huntsville, chúng luôn được người dân coi là các địa điểm hấp dẫn.

Sàn ngôi nhà xương làm bằng gỗ vụn và được chạm khắc hình chim phượng hoàng. Ảnh: AFP - TTXVN


Ngôi nhà bằng xương là một ví dụ. Họa sĩ Edie Wells, người thuê một phòng trong nhà xương, kể: "Hầu như ngày nào cũng có người gõ cửa và ngỏ ý muốn xem ngôi nhà". Cũng dễ hiểu thôi. Vì ai mà chẳng tò mò trước một ngôi nhà đặc biệt như thế.


Toàn bộ đồ đạc ở hành lang và cầu thang đều làm bằng xương, sàn nhà không lát gạch hay gỗ mà lại "lát" nút chai rượu vang và nắp chai bia. Giếng trời lấy ánh sáng từng là một chiếc đĩa kiểu Pyrex. Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là nhà tắm với toàn bộ tường, nền và trần đều được lát từ các mảnh gương vỡ.

Ngoài ngôi nhà xương, ngôi nhà lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Gretel và Hansen của anh em nhà Grimm cũng gây được ấn tượng mạnh. Ngôi nhà này như thể bước ra từ một ngôi làng nước Đức thế kỷ 16.


Toàn bộ ngôi nhà được thiết kế dựa trên những gì có sẵn và được làm từ gỗ vụn, cành cây, xương. Mọi người cho rằng ngôi nhà này không chỉ có giá thành rẻ, thân thiện với môi trường mà còn rất ấn tượng về phong cách kiến trúc.


 Đến nay, công ty Phoenix Commotion đã biến hàng trăm tấn rác thải xây dựng lấy từ các bãi rác thành các ngôi nhà có thể ở được.

Để tránh phải trả phí thải rác, các công ty bán lẻ lớn thường gửi cho Phillips hàng xe tải chở đầy các vật liệu như gỗ, ngói, gạch thải. Người dân trong vùng cũng góp cho Phillips rất nhiều đồ đạc cũ như cánh cửa, vòi nước… bỏ đi sau khi họ sửa sang nhà.


 Công ty của Phillips còn giúp thành phố Huntsville thực hiện một chương trình mang tên "Trash into Plowshares" năm 2003.

Theo chương trình này, các đồ được người dân và các doanh nghiệp mang đến cho công ty Phoenix Commotion sẽ được lưu một phần trong nhà kho của thành phố.

Người nghèo và các tổ chức phi lợi nhuận có thể đến lấy miễn phí để cải tạo nhà cửa. Theo ông Jenine Dean thuộc Cơ quan xử lý rác thải rắn của Huntsville, cách này giúp họ tiết kiệm được chi phí và điều quan trọng hơn là tiết kiệm chỗ chôn rác.

Sáng kiến trên của thành phố Huntsville thành công đến nỗi người dân khắp nơi ở Mỹ và nhiều nước đã học tập sáng kiến nhà kho chứa rác có thể tái sử dụng của Phillips và chính quyền thành phố.


Thành phố Houston đã mở một nhà kho tương tự vào tháng 10/2009. Trong vòng 6 tháng, nhà kho này đã cho tái sử dụng được 200 tấn vật liệu thải.

Dù là một công ty làm ăn vì lợi nhuận nhưng Phoenix Commotion lại hoạt động như một công ty phi lợi nhuận với mục đích giải quyết một số vấn đề xã hội mang tính toàn cầu.


Chỉ với 10.000 USD, công ty có thể xây dựng những ngôi nhà giá rẻ cho các ông bố, bà mẹ đơn thân, các gia đình thu nhập thấp…Không chỉ rẻ, mỗi ngôi nhà đều sử dụng năng lượng rất hiệu quả, trong đó có hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, hệ thống giữ nước mưa dùng để xả nhà vệ sinh và giặt quần áo.

Với nỗ lực không mệt mỏi, Phillips tiếp tục tuyên truyền sáng kiến về ngôi nhà tái chế thông qua Internet và các buổi nói chuyện tại những sự kiện diễn ra ở nhiều nơi trên nước Mỹ.


Ông phát biểu với hãng tin AFP: "Chắc tôi sẽ không thể cứu thế giới nhanh chóng được nhưng ít nhất trong thế kỷ này, chúng ta cần phải bắt đầu nghĩ đến mô hình nhà tái chế".

Thùy Dương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN