Vị trí đứng đầu thế giới của Ấn Độ về cắt gọt và đánh bóng kim cương đang bị đối thủ Trung Quốc thách thức. Tuy nhiên, Ấn Độ đang tìm cách mua nguồn kim cương thô trực tiếp từ Nga để bảo vệ vị trí “quán quân” của mình.Ấn Độ có truyền thống dựa vào môi giới tại các trung tâm buôn bán kim cương như Antwerp (Bỉ), Tel Aviv (Israel) và Dubai (các Tiểu vương quốc Arập thống nhất) để nhận nguồn cung ứng kim cương thô, chủ yếu được khai thác tại Nga hoặc Nam Phi. Hầu hết sản lượng kim cương thô của thế giới được chuyển tới Ấn Độ cắt gọt và đánh bóng trước khi đưa ra bán lẻ khắp thế giới.
Quá trình đánh bóng kim cương tại Ấn Độ tại đặc khu kinh tế Visakhapatnam. Ảnh: thehindubusinessline.com |
Nhưng Trung Quốc đã tạo được đột phá trong con đường thương mại truyền thống bằng cách nhận kim cương thô trực tiếp từ các mỏ tại châu Phi, nơi các công ty Trung Quốc có cổ phần. Điều này đã tăng kim ngạch xuất khẩu ròng kim cương đánh bóng của Trung Quốc thêm 72% trong 5 năm qua, lên mức 8,9 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu kim cương của Độ, chỉ tăng 49% lên 14 tỷ USD trong cùng thời kỳ và giảm mạnh trong năm nay.
Sandeep Varia, quan chức Hiệp hội các phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM) cho biết, việc Trung Quốc tích cực mua kim cương thô từ các nước châu Phi đã làm giảm nguồn cung ứng của các nhà sản xuất Ấn Độ. Nhiều đơn vị cắt gọi và đánh bóng kim cương tại Ấn Độ phải sa thải công nhân do làm ăn thua lỗ”.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, nhờ mua trực tiếp nguồn kim cương thô từ các mỏ khai thác ở châu Phi, thị phần của Trung Quốc về kim cương được đánh bóng trên thị trường toàn cầu đã tăng gấp ba lần lên 17% trong thập niên qua; trong khi đó, thị phần toàn cầu của Ấn Độ dao động từ 19% đến 31%.
Thủ tướng Narendra Modi, người xuất thân từ bang Gujarat - trung tâm của ngành công nghiệp đánh bóng kim cương - đang thuyết phục Nga bán kim cương thô trực tiếp cho Ấn Độ. Trong chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tới New Delhi hôm 11/12, công ty kim cương Alrosa do nhà nước độc quyền của Nga đã ký nhiều thỏa thuận tăng cung cấp kim cương thô trực tiếp cho Ấn Độ nhằm giúp nước này giảm khâu trung gian trong lĩnh vực thương mại đá quý. Các thỏa thuận bán kim cương thô trực tiếp cũng giảm nguy cơ liên quan đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga do vấn đề Ukraine.
Tuy nhiên, các nguồn tin công nghiệp cho rằng để cạnh tranh có hiệu quả với Trung Quốc, Ấn Độ cần giảm thuế và điều chỉnh luật nhập khẩu. Martin Rapaport, Chủ tịch công ty dịch vụ về kim cương và đồ kim hoàn Rapaport Group nhận định “Trung Quốc chưa thể sớm 'soán ngôi' của Ấn Độ về trung tâm đánh bóng kim cương thế giới, nhưng Ấn Độ cần cải cách cơ chế thuế để giúp ngành công nghiệp đánh bóng kim cương của nước này có sức hấp dẫn hơn đối với các nhà khai thác kim cương nước ngoài”.
Mặc dù Trung Quốc “trên cơ” Ấn Độ trong việc giành các nguồn kim cương thô, nhưng ngành công nghiệp cắt gọt và đánh bóng kim cương của họ không được tổ chức như Ấn Độ, vả lại chi phí lao động tăng cũng là một vấn đề. Theo Rapaport Group, ngành công nghiệp đánh bóng kim cương Trung Quốc hoạt động dựa trên hợp đồng và thông qua các liên doanh, chỉ phù hợp với sản xuất kim cương nhỏ, thiếu kỹ năng cần thiết để tinh chế những viên kim cương lớn và đẹp.
Minh Lý (
P/v TTXVN tại New Delhi)