Các nhà phân tích tin rằng hình thức "chôn cất xanh" sẽ giúp giảm bớt căng thẳng về tài nguyên đất, góp phần bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân.
Tiết Thanh Minh, còn được gọi là "Lễ tảo mộ", sẽ rơi vào ngày 4/4 tới, đây là lễ hội truyền thống của Trung Quốc để mọi người tưởng nhớ những người đã khuất và thờ cúng tổ tiên.
Vào ngày 31/3, các cơ quan ở Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc đã phối hợp tổ chức sự kiện nơi mọi người có thể rải tro người đã khuất xuống biển bằng “con tàu chôn cất” đặc biệt. Con tàu chở tro cốt của 35 người đã khuất núi, ra khơi về phía Vịnh Bột Hải ở Thiên Tân.
Trên tàu, đại diện gia đình chia sẻ câu chuyện về người thân đã mất và sau giây phút im lặng tưởng nhớ, nhân viên bàn giao tro cốt cho người nhà. Khi tàu đến vùng biển đã định sẵn, nhân viên hướng dẫn gia quyến lên boong và với đôi bàn tay dịu dàng, họ rải tro cốt của người thân xuống biển xanh bao la.
Theo Bộ Nội vụ Trung Quốc, từ tháng 5/1994, Bắc Kinh đã triển khai hoạt động rải tro trên biển. Trong 30 năm qua, tổng cộng 774 lần rải tro tập thể trên biển đã được tổ chức cho gần 34.000 người đã khuất. Sau mỗi năm, số lượng người tham gia ngày càng tăng.
Trong khi đó, thành phố Thâm Quyến lần đầu tiên áp dụng hình thức chôn cất dưới luống hoa trước thềm Tiết Thanh minh năm nay. Hình thức này không kèm bia mộ, tên tuổi hay bất kỳ thông tin nhận dạng nào. Theo người phụ trách, tro được chôn sâu dưới luống hoa trong các thùng chứa có thể phân hủy sinh học.
Chỉ trong 10 ngày, hơn 250 người dân đã nộp đơn đăng ký tham gia hình thức chôn cất mới này. Một số trường hợp chia sẻ rằng việc để tro người thân yêu đã khuất bên những bông hoa cũng có thể được coi là sự tiếp nối của cuộc sống.
Tỉnh Vân Nam, phía Tây Nam Trung Quốc cũng khuyến khích chôn cất thân thiện với môi trường bằng cách tạo điều kiện để người dân lựa chọn các phương pháp chôn cất như mộc táng hoặc chôn với hoa. Hiện tỷ lệ chôn cất thân thiện với môi trường ở Vân Nam đã đạt 51,02% và tỉnh cũng đang đẩy mạnh các phương pháp tưởng niệm xanh, ít carbon như dâng hoa tươi, tưởng niệm trực tuyến.
Ngoài ra, các tỉnh như Sơn Đông, Hà Nam và Liêu Ninh đều nỗ lực thúc đẩy phương pháp chôn cất thay thế mới cũng như đám tang thân thiện với môi trường.
Tang lễ có tầm quan trọng rất lớn ở Trung Quốc. Tang lễ, lăng mộ từng được coi là tiêu chuẩn để đánh giá lòng hiếu thảo của con cháu người đã khuất. Tuy nhiên, diện tích đất dành cho các nghĩa trang truyền thống ngày càng gây áp lực lên quy hoạch đô thị và nguồn tài nguyên đất đai.
Giáo sư Li Zhiqing tại Đại học Fudan ngày 1/4 chia sẻ với Global Times: "Việc chôn cất thân thiện môi trường sẽ giúp giảm tiêu thụ tài nguyên đất, khiến nó là cơ chế cân bằng tốt cho tình trạng khan hiếm tài nguyên, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Điều này cũng thể hiện sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên".
Theo các nhà phân tích, việc áp dụng phương pháp chôn cất mới phản ánh thay đổi đáng kể từ truyền thống sang hiện đại, có ý thức về môi trường. Điều này không chỉ có lợi cho gìn giữ môi trường mà còn khuyến khích trân trọng và bảo vệ đất đai nhiều hơn.
Họ cũng đánh giá rằng kiểu "chôn cất xanh" kéo theo thay đổi trong quan niệm tang lễ đại chúng, vì nhiều người từng tin rằng chôn dưới đất là cách tôn trọng nhất để người đã khuất yên nghỉ.
Giáo sư Zhang Yiwu tại Đại học Bắc Kinh lập luận: “Ngày nay, con người có nhiều phương tiện để tưởng nhớ người đã khuất, và xã hội cũng rất coi trọng nhu cầu tưởng nhớ tổ tiên của con người. Điều này không mâu thuẫn với kiểu chôn cất mới đang được ủng hộ hiện nay”.
Ông Zhang nhấn mạnh thêm rằng việc lựa chọn phương pháp chôn cất thân thiện với môi trường còn khuyến khích cách tiếp cận đa dạng hơn trong thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra, những hoạt động này đều phù hợp với nguyên tắc bảo vệ môi trường và sinh thái tự nhiên, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.