Điểm đến của tôi là Honeywell Aerospace, nhà sản xuất động cơ máy bay và các ứng dụng điện tử hàng không lớn nhất thế giới. Đón chào là những nụ cười và câu đùa: “Chắc bạn đã phải bay phát chán để đến được đây. Nhưng rất tiếc, bạn còn phải bay nữa”. Quả thật, ở đây, tất cả đều về những chuyến bay.
Từ động cơ, buồng lái đến hộp đen
Một ấn tượng khó quên đối với mỗi khách tham quan trụ sở Honeywell Aerospace là hành lang dọc đường đến nhà máy lắp ráp động cơ. Kín hai bức tường là các bức tranh theo mốc thời gian của lịch sử hàng không lẫn chinh phục vũ trụ. Từ chuyến bay lịch sử của anh em nhà Wright năm 1903, đến những bước tiến nhảy vọt của nhân loại sau này trong việc hiện thực hóa giấc mơ bay. Trên chặng đường dài đó, Honeywell Aerospace ghi dấu tên mình từ khá sớm.
“Chúng tôi đã ở đây”. Thông điệp tự hào này được gắn với không ít cột mốc của lịch sử hàng không, cả dân dụng lẫn quân sự. Các loại động cơ máy bay là sản phẩm hàng đầu của Honeywell Aerospace với danh sách khách hàng dày đặc như Airforce, Boeing, Airbus, Bombardier…
Tận mắt chứng kiến một động cơ máy bay được lắp ráp là cảm giác khó tả. Hàng trăm giờ làm, những dây chuyền đòi hỏi độ chính xác cao, hàng nghìn chi tiết. Độ an toàn luôn được đặt lên cao nhất. Không những thế, sự phát triển của công nghệ còn cần được thể hiện ở chất lượng động cơ giúp tiết kiệm nhiên liệu.
Là thương hiệu hàng đầu về động cơ phụ máy bay (APU), không ngạc nhiên khi những hãng hàng không lớn của Việt Nam cũng lựa chọn Honeywell. Theo tính toán, loại APU tiết kiệm nhiên liệu của Honeywell giúp mỗi máy bay của Vietnam Airlines tiết kiệm được 10.000 USD/mỗi năm. Tháng 7 năm ngoái, Vietjet Air cũng ký hợp đồng 56 triệu USD mua APU của hãng này.
Không chỉ “phần cứng” quan trọng nhất của máy bay là động cơ, nhiều bộ phận khác cũng được ra lò từ bang miền Tây nước Mỹ này. Bánh xe, hệ thống phanh, buồng lái… và đặc biệt là hộp đen. Ai cũng biết hộp đen có vai trò quan trọng như thế nào mỗi khi xảy ra tai nạn hàng không đáng tiếc.
Và hộp đen thương hiệu Honeywell đã “ghi điểm” trong vụ máy bay AirFrance 447 rơi năm 2009 làm 228 người thiệt mạng, một trong những tai nạn kỳ bí nhất khi máy bay này rơi xuống Đại Tây Dương trên đường từ Rio de Janeiro (Brazil) tới Paris (Pháp). Đến tận năm 2011, hộp đen thứ hai mới được tìm thấy. Nó nằm dưới đáy biển ở độ sâu 13.000 feet (gần 4.000 mét) trong suốt 2 năm trời. Nhưng sau khi được tìm thấy, dữ liệu hoàn toàn khôi phục được.
An toàn và tiện nghi
Những câu chuyện bi thảm như AirFrance 447 hay một loạt vụ tai nạn hàng không thương tâm gần đây là điều không ai muốn lặp lại. Chính vì thế, an toàn hàng không đang trở thành yếu tố hàng đầu với những tập đoàn chế tạo lớn như Honeywell Aerospace.
Tỷ lệ hỏng hóc động cơ là cực nhỏ. Ngay cả thời tiết khắc nghiệt hiện nay cũng không phải là thủ phạm hung hãn khi các máy bay được chế tạo với hệ thống cân bằng tự động ngày càng tốt. Nhưng bên cạnh đó, có khá nhiều những yếu tố chủ quan lẫn khách quan đe dọa mỗi chuyến bay.
Là tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực an toàn hàng không, Honeywell Aerospace đã và đang có những sản phẩm, nghiên cứu hàng đầu. “Weather Radar-Honeywell’s IntuVue” là một trong số đó. Hệ thống phát hiện nhiễu động cũng như cung cấp hình ảnh 3D bên ngoài trong mọi điều kiện thời tiết này là một công cụ đắc lực giúp phi công có thể nhanh chóng định ra tuyến đường an toàn nhất.
“SmartRunway” và “Smart Landing” giúp tránh những tai nạn thường xuyên xảy ra khi cất, hạ cánh hay khi máy bay di chuyển trên đường băng… Bên cạnh đó, việc giảm bớt gánh nặng cho phi công cũng được đặc biệt coi trọng. Trong tương lai, vô số nút bấm trong buồng lái sẽ được giảm bớt để thay bằng những màn hình cảm ứng. Thậm chí, những công nghệ mang tính tương lai cũng đang được tích cực nghiên cứu như điều khiển bằng giọng nói, ý nghĩ…
Nếu phi công được hỗ trợ nhiều hơn, các chuyến bay an toàn hơn thì hành khách cũng “dễ thở” hơn. Và sự tiện nghi trên mỗi chuyến bay đang được chờ đợi nâng tầm hơn nữa. Năm 2016 đang hứa hẹn chứng kiến viễn cảnh mọi chuyến bay thương mại sẽ được phủ sóng wifi. Sự nhàm chán trong những hành trình dài sẽ kết thúc khi hành khách có thể thoải mái lướt web, Facebook…
Internet trên bầu trời không phải là chuyện mới mẻ. Đã có một số hãng hàng không triển khai trên vài tuyến bay cố định. Nhưng nhược điểm chung của dịch vụ này là phí cao, đường truyền không ổn định. Honeywell Aerospace đang ở những khâu cuối để tung ra hệ thống JetWave cung cấp wifi cho các chuyến bay, tốc độ cao, phạm vi phủ sóng toàn cầu dựa trên một hệ thống vệ tinh Inmarsat. Chưa đi vào hoạt động nhưng đã có hơn 300 máy bay thương mại trên khắp thế giới cam kết sử dụng JetWave.
Mỗi chuyến bay sẽ là một hành trình thoải mái. Đó là mục tiêu mà Honeywell Aerospace cũng như nhiều hãng hàng không khác đang hướng tới. Ở đó, sự kết nối giữa con người sẽ không bị gián đoạn từ mặt đất lên không trung.