Vợ chồng bà đều suy ngẫm về con đường họ nên đi trong tương lai và xác định đã đến lúc họ nên tạm rời xa nhau.
Tuy nhiên, đó không phải là một cuộc ly thân hay ly dị. Đó là “tốt nghiệp hôn nhân” - hay còn gọi là sotsukon ở Nhật Bản. Đây là trào lưu mà nhiều cặp vợ chồng lớn tuổi dù vẫn thương yêu nhau nhưng muốn sống xa nhau tạm thời để mỗi người có cơ hội làm những việc mà mình theo đuổi thời trẻ nhưng không thể thực hiện do vướng bận gia đình. Trào lưu này xuất hiện trong bối cảnh quan điểm sống cùng một nhà tại Nhật Bản đang dần thay đổi. Các thành viên trong gia đình ngày một cá nhân hóa. Họ theo đuổi sự tự do hơn là ràng buộc cuộc sống của tất cả mọi người. Nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà cũng dần trở nên hiếm gặp. Hơn thế nữa, vợ chồng ngủ cùng phòng nhưng khác giường không phải là chuyện bất thường.
Sống xa nhau, thi thoảng cặp vợ chồng Yoshihide Ito và Yuriko Nishi sẽ có những buổi hẹn hò lãng mạn để hâm nóng tình cảm. |
Ông Yoshihide Ito, 63 tuổi, sau hàng chục năm làm nghề quay phim ở Tokyo, thổ lộ ước mong được trở về quê nhà thanh bình là thị trấn Mie nằm ở phía nam Nhật Bản để làm một lão nông. Trong khi đó, bà Nishi, vợ ông, lại mong muốn được tiếp tục công việc làm tư vấn thời trang hiện tại của mình. Bà Nishi chia sẻ về cuộc sống sotsukon: “Một tháng ông ấy về thăm tôi một lần, còn thi thoảng tôi sẽ về quê khoảng một tuần. Khoảng cách địa lý khiến chúng tôi nhớ và trân trọng nhau hơn. Thậm chí chúng tôi còn thỉnh thoảng lên kế hoạch hẹn hò mỗi khi gặp nhau”.
Từ sotsukon xuất hiện từ năm 2004, bắt nguồn từ cuốn sách tư vấn hôn nhân của tác giả Yumiko Sugiyama. Sotsukon là dạng chơi chữ, ghép lại từ hai từ sotsugo (tốt nghiệp) và kekkon (hôn nhân). Nhà văn Sugiyama giải thích: “Theo tư tưởng truyền thống, đàn ông là trụ cột trong nhà, và vợ ở nhà làm bà nội trợ sống dựa vào tài chính từ người chồng. Cái tôi muốn khuyến khích là mỗi người sẽ làm được những gì khi có tự do mà không cần phải ly dị”.
Theo thống kê của chính phủ, năm 2014, Nhật Bản chỉ có 1 triệu trẻ em được sinh ra và đó là con số thấp nhất trong các nước châu Á. Cũng trong năm đó, số liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi - cho biết tuổi thọ trung bình của phụ nữ Nhật Bản đã tăng lên 86,83 tuổi. “Điều này đồng nghĩa với việc giai đoạn dài nhất trong cuộc sống của một người phụ nữ là sau khi con cái trưởng thành” - giáo sư tâm lý Masako Ishii-Kuntz tại Đại học Ochanomizu (Tokyo) cho biết. Khi con cái đã có cuộc sống riêng, rất nhiều phụ nữ trung niên không còn có việc làm gì khác ngoài việc chăm sóc chồng mình, nên họ nhận ra đã đến lúc phải theo đuổi sở thích và hạnh phúc riêng. Để làm được điều đó, mấu chốt là người vợ phải thuyết phục được chồng và gia đình chồng. Thông thường người vợ là người gợi ý trước và giai đoạn lý tưởng nhất là khi đã về hưu.
Hiện chưa có con số thống kê chính thức số lượng cặp vợ chồng Nhật Bản theo trào lưu “tốt nghiệp hôn nhân”. Tuy nhiên, một khảo sát thực hiện năm 2014 cho thấy rất nhiều người muốn đi theo trào lưu này. Trong 200 phụ nữ có gia đình từ 35 đến 65 tuổi được hỏi, có tới 56,8% cho biết muốn “tốt nghiệp hôn nhân”.
Ngày nay, số phụ nữ gia nhập lực lượng lao động Nhật Bản cũng nhiều hơn trước và họ cũng có lương hưu. Điều này là quan trọng vì không phụ nữ nào có thể “tốt nghiệp hôn nhân” nếu không có tiền tự lo cho bản thân.