The Fair lấy cảm hứng từ chiến dịch “Books on the Underground” của nữ diễn viên Emma Watson nhằm khuyến khích nhu cầu đọc sách và tăng cường nhận thức về nữ quyền. Nữ diễn viên đã đặt 100 cuốn sách “Mom & Me & Mom” của tác giả Maya Angelou khắp nơi tại hệ thống ga tàu điện ngầm ở London và New York.
Còn tại Trung Quốc, hãng sách "The Fair" có trụ sở ở thủ đô Bắc Kinh đã khởi xướng phong trào từ hôm 6/12, đặt hơn 10.000 cuốn sách trên tàu điện, taxi, máy bay ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Hàng Châu. Chiến dịch thu hút được sự tham gia của nhiều gương mặt nổi tiếng như diễn viên Huỳnh Hiểu Minh và Từ Tịnh Lôi, dự kiến sẽ tiếp tục được triển khai ở nhiều thành phố khác.
Một hành khách đọc sách trên tàu điện ngầm Bắc Kinh. |
Tuy nhiên, sau một tuần đi vào hoạt động, chiến dịch vấp phải nhiều vấn đề. Ngoài chuyện tưởng sách dùng để giữ chỗ hay bị người quét dọn vứt đi, người đọc còn phàn nàn dù rất muốn đọc nhưng họ không thể với tới cuốn sách vì xe buýt chật kín người.
Để ủng hộ chiến dịch đọc sách, hệ thống tàu điện ngầm Thượng Hải Metro đã kêu gọi người dân không lưu thông vào giờ cao điểm. Trong khi đó, hãng sách “The Fair” mời cô Cordelia Oxley - nhà tổ chức dự án “Books on the Underground” đến Bắc Kinh để trao đổi kinh nghiệm. Theo Oxley, dự án sách của cô cũng từng gặp những vấn đề tương tự. “Đầu tiên, chúng ta cần nói rõ với những người quét dọn để họ không mang sách đi”, cô nói. Mặt khác, Oxley cho rằng càng nhiều người biết đến chiến dịch thì sẽ ít người tưởng sách dùng để giữ chỗ. Sự hợp tác giữa nhà xuất bản và người nổi tiếng đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá chiến dịch đến với người dân.
Nhiều người lo ngại chiến dịch sách khó có thể thành công do người dân thích đọc sách điện tử trên điện thoại hơn sách in. Về vấn đề này, cô Oxley cho hay hành khách không nhất thiết phải đọc sách ngay trên xe, họ có thể mang về nhà và trả lại chỗ cũ sau khi đọc xong.
Cư dân mạng chỉ trích chiến dịch chưa thực sự khuyến khích nhu cầu đọc sách của nhiều người. Trên mạng xã hội Weibo, một người viết: “Tôi nghĩ hầu hết mọi người sẽ chụp ảnh tự sướng với các cuốn sách để đăng lên WeChat. Nếu thích, họ sẽ mang chúng về nhà và trưng bày trên giá sách”.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng Watson từng học tại Đại học Brown và Oxford danh tiếng, lại là người ham đọc sách nên câu lạc bộ sách nữ quyền của cô rất thành công. Còn ở Trung Quốc, những người nổi tiếng ủng hộ chiến dịch đọc sách lại chẳng bao giờ sờ đến sách.
Kết quả khảo sát của Học viện báo chí và xuất bản Trung Quốc năm 2015 cho thấy trung bình người dân nước này đọc chưa đầy 5 trang sách một năm, thấp hơn rất nhiều so với Canada (17 cuốn sách) và Mỹ (12 cuốn sách).
Theo nhà văn Murong Xuecun, nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng trong suốt ba thập kỷ qua. Do đó, mọi người đều bận rộn với công việc và không có thời gian cho việc đọc sách. Hơn nữa, người Trung Quốc có tâm lý khá nặng nề với việc đọc. Họ không xem đọc sách là một thú vui giải trí mà coi nó là một mục tiêu xa hơn.
Đồng sáng lập The Fair, ông Zhang Wei dường như không bận tâm đến những lời chỉ trích. “Chúng tôi là một doanh nghiệp. Tuy làm từ thiện nhưng doanh nghiệp vẫn cân nhắc đến lợi nhuận”, Zhang cho biết. Ông thừa nhận mặc dù không nhận tiền từ các nhà xuất bản nhưng chiến dịch của ông là hình thức quảng cáo tốt cho công ty.