Tranh 3D mở rộng thế giới hội họa cho người mù

Nhà văn, phát thanh viên, cũng là một người khiếm thị - Romeo Edmead đang sử dụng những ngón tay của mình để bước vào một thế giới tràn đầy hình ảnh mà anh chưa từng được trải nghiệm trước đây.

Nhà đồng sáng lập 3D Photoworks John Olson hướng dẫn Romeo Edmead "nhìn" tranh 3D.

Edmead mất thị lực khi mới hai tuổi, vậy nên anh gặp khó khăn cảm nhận mỹ thuật. Edmead kể rằng khi được nghe về hội họa cổ điển và những chuyến thăm bảo tàng do trường học tổ chức, anh luôn cảm thấy chán nản. “Tôi học trường công cùng những người bình thường. Tôi hiểu những gì họ sẽ trải nghiệm, họ thấy được ánh sáng còn tôi thì không. Chạm vào (các tác phẩm) thì hiển nhiên là… bị cấm. Nên đó là một lưỡi kiếm hai mặt lớn lên từng ngày”, Edmead chia sẻ.

Cho đến khi được lướt những ngón tay trên bản 3D của tác phẩm “Washington Crossing the Delaware” của Emanuel Leutze tại Thư viện cho người khiếm thị ở New York, Edmead như cảm nhận được “sự tự do”.

Edmead cho hay đối với những người chưa từng biết đến ánh sáng cũng như không có ký ức về những hình ảnh trong cuộc sống như anh, trải nghiệm này hoàn toàn khác biệt khi anh thật sự được chạm vào tác phẩm, chứ không phải chỉ nghe qua lời miêu tả của người khác như trước đây. “Cả cuộc đời chúng ta đều biết đến những danh họa và tác phẩm của họ. Nhưng đối với tôi, đây (tranh in 3D) là tất cả những gì về họ”, anh xúc động nói.

Một trong những người đứng đằng sau công trình 3D đầy nhân văn này là John Olson. Từng là nhiếp ảnh gia của tạp chí LIFE, ông Olson cũng là nhà đồng sáng lập 3D Photoworks - công ty có trụ sở tại New York (Mỹ) đã phát triển và đăng ký bằng sáng chế cho quy trình in 3D các tác phẩm mỹ nghệ  giúp người khiếm thị “nhìn” được.

Quy trình “in 3D xúc giác” của 3D Photoworks phối hợp với Hiệp hội người mù Mỹ được lấy cảm hứng từ công trình nghiên cứu của chuyên gia thần kinh học Paul Bach-y-Ria về cơ chế thần kinh mềm dẻo. Theo nghiên cứu này, bộ não con người có thể xử lý các thông tin xúc giác qua tiếp xúc của ngón tay, tương tự như thị giác. Điều này đồng nghĩa rằng khi một người khiếm thị chạm vào các bức tranh in 3D, hình ảnh đó sẽ hình thành trong não bộ của họ.

Theo ông John Olson, quy trình in 3D gồm 3 bước tỉ mỉ để cuối cùng cho ra một sản phẩm 3D đầy đủ chiều dài, chiều rộng, độ sâu và chất liệu. Ngoài ra, 3D Photo Works cũng lắp đặt những sợi cảm biến trên bản in 3D, tự động phát ra âm thanh khi chạm vào để người khiếm thị biết được thông tin cơ bản về bức tranh.

Việc được chạm vào tác phẩm nghệ thuật là một trải nghiệm khác biệt đối với người khiếm thị.

Với Rowana, người bị mất thị lực khi 28 tuổi, việc được chạm vào các tác phẩm hội họa là một trải nghiệm khác hẳn với Romeo Edmead. Cô nói rằng được nghe miêu tả bối cảnh sáng tác rất quan trọng với mình vì cô sử dụng trí nhớ để hình dung những tác phẩm nghệ thuật. Thừa nhận rằng mình từng nghi ngờ, nhưng trải nghiệm “nhìn” tranh của Rowana trở nên thật ý nghĩa sau khi cô được chạm vào “Mona Lisa” của danh họa Leonardo da Vinci phiên bản 3D - bức tranh mà cô từng nhìn thấy trước đây. Rowana vui mừng nói rằng giờ đây cô có thể hiểu hơn về hội họa và không cần phải đến bảo tàng chỉ để được nghe miêu tả về các bức tranh: “Thật tốt vì tôi có thể chạm vào nó. Bây giờ tôi có thể cảm nhận và tự đánh giá về các tác phẩm”.

3D Photoworks đã mất 7 năm để phát triển công nghệ in “3D xúc giác”. Hiện công ty đang huy động vốn để mở rộng sản xuất với một chiến dịch trên trang Kickstarter. Người sáng lập 3D Photoworks John Olson còn vừa đặt hàng một triển lãm ảnh in 3D do các nhiếp ảnh gia khiếm thị thực hiện, dự kiến được trưng bày tại Bảo tàng quyền con người Canada trong năm nay.

“Mục tiêu của chúng tôi là biến hội họa và nhiếp ảnh trở nên hữu hình trong thế giới của những người khiếm thị. Có 285 triệu người mù và suy giảm thị lực trên thế giới. Cứ 11 phút lại có thêm một người mù ở Mỹ. Vậy nên chúng tôi muốn nó xuất hiện ở tất cả các bảo tàng, tất cả các trung tâm khoa học, tất cả các viện nghiên cứu, đầu tiên là ở đất nước này (Mỹ) và sau đó là xa hơn nữa”, ông Olson bày tỏ.

HT
Cuộc chiến học bảng nhân của học sinh Anh
Cuộc chiến học bảng nhân của học sinh Anh

Tất cả học sinh Anh chuẩn bị chuyển cấp lên trung học đều phải học thuộc lòng bảng nhân như là một phần “cuộc chiến chống lại tình trạng không biết làm toán” của Chính phủ “xứ sương mù”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN