Trầm cảm ‘bủa vây’ người dân Yazidi sau chiến tranh

Kể từ khi lực lượng khủng bố IS tấn công ngôi làng của tộc người Yazidi gần núi Sinjar, ngày càng nhiều người thuộc cộng đồng thiểu số này bị sang chấn tâm lí (PTSD) và mắc các bệnh trầm cảm.

Haji Umar – cựu trung sĩ thuộc dân tộc thiểu số Yazidi chiến đấu cho quân đội Iraq – đã chĩa súng vào đầu tự tử sau khi nói lời tạm biệt qua điện thoại với cô con gái Wanza vì không thể chịu được nỗi đau của những người sống xung quanh anh. Một tháng sau đó, Wanza đau buồn nằm bất động trên giường bệnh, đôi mắt vô hồn nhìn vào vị bác sĩ tâm lí đang đứng bên cạnh.


Gia đình cô đã sơ tán khỏi ngôi làng họ vẫn thường ngày sinh sống gần ngọn núi Sinjar khi lực lượng cực đoan IS tại Iraq tấn công vào khu vực. Sau khi để những đứa con của mình an toàn tại Iraq, Umar quay trở lại vùng núi Sinjar và tham gia chiến đấu chống IS. “Anh ấy là một người tốt bụng, nhưng suy nghĩ quá nóng vội. Anh ấy không thể chịu đựng được những nỗi đau mà mọi người xung quanh phải nếm trải”, chú của Wanza đau xót bày tỏ.

 

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, vào tháng 8, các tay súng IS đã thực hiện một vụ thảm sát hàng trăm người dân tộc thiểu số Yazidi vì nghi ngờ nhóm tộc này tôn sùng quỷ dữ. Gần 2500 phụ nữ và trẻ em đã bị bắt cóc, và hàng chục nghìn người đã phải rời bỏ quê hương.


Bác sĩ Abdalrazak làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Zakho cho biết có đến hơn 70% người dân Yazidis sống tại thành phố Zakho thuộc tỉnh Dohuk gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ bị mắc bệnh trầm cảm. Ông ước chừng 20% tổng số bệnh nhân ông chữa trị nghĩ đến việc tự tử và có khoảng 5% đã tìm cách tự tử. “Khi bạn cảm thấy mọi người xung quanh bạn đều là mục tiêu tấn công của IS, khi người thân lần lượt chết trước mặt bạn, bạn sẽ sợ hãi và không còn cảm thấy an toàn nữa”. Abdalrazak nhìn sang Wanza một lần nữa, gập khuỷu tay của cô bé để kiểm tra phản xạ.


Bác sĩ Abdalrazak - vị bác sĩ tâm lí duy nhất tại bệnh viện đa khoa Zakho đang tư vấn cho một bệnh nhân trầm cảm.


Bệnh nhân tiếp theo là Nahla Haj – một cô gái 21 tuổi. Khom người ngồi trên ghế trong phòng bác sĩ Abdalrazak, cô thẫn thờ nhìn quanh phòng. Hôm qua, sau khi bị sốc vì hồi tưởng quá khứ, cô được đưa vào phòng cấp cứu của bệnh viện. “Tôi quá sợ hãi và dễ bị kích động. Đây là lần thứ hai tôi phải trải qua cảm giác khủng khiếp này. Trong đầu tôi tràn ngập hình ảnh bạn bè hàng xóm bị IS bắt cóc. Cố gắng không nghĩ đến chúng nhưng những hình ảnh đó bám riết theo tôi vào trong những cơn ác mộng hàng đêm.”


Amr Yousif là anh họ của Nahla Haj đưa cô đến khám hôm nay. Anh vẫn còn bị ám ảnh bởi những kí ức khi các tay súng cực đoan IS vất bỏ thi thể người thân trước khi chúng rời khỏi thị trấn chỉ vì họ không đồng ý cải sang đạo Hồi.


Cả Wanza và Nahla đều cần có những liệu pháp trị bệnh và phải học các đối mặt với nỗi sợ hãi khi nhớ về quá khứ.


Cách đây không lâu, một phụ nữ trẻ trốn thoát khỏi vùng núi Sinjar đã đến phòng khám của Abdalrazak với vị hôn phu của cô ấy. Cô hoang mang không biết giờ này gia đình mình ở đâu sau khi IS tấn công vào thị trấn nơi cô sinh sống vào đầu tháng 8 và liệu rằng đứa em gái nhỏ của cô có bị IS bắt cóc hay không. Cô bị những suy nghĩ đó giày vò và muốn kết liễu bản thân mình. Đó là một triệu chứng thường thấy của người mắc PTSD. Vị hôn phu đã giúp cô vượt qua những cơn chấn động khi cho cô nghe những bản tình ca hay và hứa sẽ sớm cưới cô. Sau khi được kê thuốc và đến khám thường xuyên, bệnh tình của cô ấy có khá hơn và cặp đôi quyết định sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống.


Bác sĩ Nazar Amin – một chuyên gia tâm lí tư vấn tại Sulaymaniyah nói rằng trước đây Iraq không hề có khái niệm về ngành tâm lí học. Nếu có ai đó mắc bệnh, họ đều đến phòng khám của ông vào buổi tối để tránh bị người khác gặp mặt. Nhưng giờ mọi người đã hiểu về căn bệnh trầm cảm này và quan tâm đến sức khỏe tinh thần. Tuy có nhiều người nhận biết được các bệnh tâm lí, song vấn đề hiện nay là không có đủ các chuyên gia có thể chữa trị những căn bệnh đó. Chúng tôi không thể mời những chuyên gia nước ngoài. Trước hết, bác sĩ tâm lí cần phải hiểu ngôn ngữ và văn hóa của bệnh nhân mình chữa trị”.


Abdalrazak và Amin sẽ tiếp tục chữa trị cho những bệnh nhân như Wanza và Nahla với tất cả những gì họ có, nhưng chính tinh thần cộng đồng của người dân Yazidi sẽ giúp họ vượt qua căn bệnh trầm cảm do nỗi đau chiến tranh mang lại kia.



Hồng Hạnh(theo Al Jazeera)

Người Yazidi tại Iraq sẽ đi về đâu?
Người Yazidi tại Iraq sẽ đi về đâu?

Sau nhiều thế kỷ bị bức hại, cộng đồng người thiểu số Yazidi đang rơi vào một thảm kịch tồi tệ mới trong vòng xoáy bạo lực tại Iraq.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN