Tòa tháp Trump chọc trời 68 tầng tại New York. |
Một khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức đặt chân vào Nhà Trắng, ông sẽ trở thành vị Tổng thống đương nhiệm có nhiều “mâu thuẫn lợi ích” nhất trong lịch sử nước Mỹ. Hiện nhà tỷ phú 70 tuổi này đang nắm quyền điều hành của hơn 500 công ty lớn nhỏ trong nhiều lĩnh vực ngành nghề.
Trước đó, trong các cuộc vận động tranh cử, ông Trump khẳng định một khi được lựa chọn để trở thành người đứng đầu đất nước, ông sẽ công khai giao toàn bộ tài sản cũng như công việc làm ăn cho các con và không “bàn luận bất cứ điều gì liên quan đến nó”.
Dưới đây là một số câu hỏi quan tâm về việc Tổng thống đắc cử Trump xử lý khối tài sản khổng lồ:
Tổng thống có bị bắt buộc phải bán hay tách rời các lợi ích kinh doanh cá nhân? Câu trả lời là không, trích theo đạo luật “Đạo đức trong chính quyền” năm 1978. Ari Melber - phóng viên chuyên trách về luật pháp tại trang MSNBC cho biết “có luật bắt tổng thống phải tiết lộ công khai tài sản cá nhân, nhưng không có luật yêu cầu tổng thống đương nhiệm phải bán hay không tác động tới những lợi tức thương mại mà họ kiếm được từ công việc kinh doanh ngoài”.
Ông nhấn mạnh: “Cũng có luật lệ liên bang cấm các quan chức chính phủ cấp cao quản lí công việc làm ăn riêng, nhưng Quốc hội cho phép tổng thống được miễn trừ, miễn là phải công khai tài sản khi bị yêu cầu và không được lạm dụng chức vụ quyền hạn để tư lợi cá nhân”.
“Nguyên do căn bản cho việc đặc cách trên là nếu như một quan chức được chọn vào vị trí cao như vậy, mọi thứ đều được nhìn thành mâu thuẫn lợi ích”, Kenneth Gross làm việc cho Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom, thường đóng vai trò cố vấn cho nhiều ứng viên Tổng thống về các quy tắc đạo đức.
Tuy nhiên, theo Gross, vì công việc làm ăn của ông Trump đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước rất phức tạp, nên luật có thể được xem xét lại và điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh.
Việc ông Trump chuyển nhượng việc làm ăn cho các con nếu xét về mặt luật pháp thì không vi phạm. Tuy nhiên điều này sẽ nảy sinh sự nghi ngờ trong người dân Mỹ, Gary Hufbauer – một nhân viên cấp cao tại Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson nhận xét. “Rất khó để mọi người tin tưởng ông ấy sẽ cắt đứt mọi quan hệ với công việc kinh doanh. Làm gì có chuyện ông Trump không biết chuyện gì xảy ra với tài sản của mình, các con ông xử lý ra sao, lúc nào có tiền, lúc nào mất tiền, rồi những quyết định mua tài sản mới’.
Tuy ông Trump không phải từ bỏ lợi ích kinh doanh, song theo theo điều khoản Thù lao trong Hiến pháp từ năm 1787, Tổng thống vừa mới đắc cử này có thể sẽ phải đối mặt với vấn đề pháp lý. Điều khoản này của Bộ Tư pháp nghiêm cấm các quan chức chính phủ nhận quà từ một thực thể nước ngoài.
Cụ thể trong trường hợp của ông Trump, với một tòa nhà thuộc quyền sở hữu của một công ty nước ngoài nhưng lại đặt theo tên ông Trump, “thì đó được coi là một món quà”. Nếu như có giao dịch giữa một thực thể của ông Trump với một công ty thuộc chính phủ nước ngoài, đó có thể là bằng chứng phạm luật”.
Về tài sản cá nhân, một vài tổng thống đời trước, bao gồm George W. Bush, Bill Clinton, George H.W. Bush, và Ronald Reagan đều tự nguyện sử dụng quỹ tín thác để quản tài sản của mình. Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama không dùng quỹ tín thác vì ông cho rằng tài sản của mình chỉ có hạn và quỹ tín thác là không cần thiết. Quỹ tín thác là nơi các cá nhân có thể gửi gắm (ủy thác) tài sản của mình để các quỹ này quảnlý hộ. Đây được coi là một công cụ hiệu quả về bảo mật, giảm thuế và bảo đảm an toàn cho tài sản của mỗi cá nhân.