Thoạt nhìn, thành phố sinh thái Thiên Tân ở Trung Quốc trông không khác gì các đô thị phát triển khác ở đất nước này, cũng những khối nhà chung cư cao tầng khô cứng, những con đường rộng thênh thang, những vạt cỏ tỉa tót cẩn thận.
Những khu nhà chung cư trong Thiên Tân sẵn sàng chào đón người đến ở. Ảnh: Internet |
Nhưng Thiên Tân lại đang được coi là mô hình sống bền vững ở Trung Quốc – nơi đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh chóng và ô nhiễm nặng nề khiến các thành phố chật chột, đầy khói bụi trở nên khó sống. Nhiều đặc điểm của thành phố thể hiện rõ tính bền vững như nhà xây bằng vật liệu cách ly tốt, hệ thống tái chế rác thải, máy nước nóng năng lượng mặt trời...
Trong thành phố, khoảng 60% rác thải từ các hộ dân sẽ được tái chế và phần lớn điện tiêu thụ là điện sinh ra từ các nguồn năng lượng có thể hồi phục như gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt. Người dân Thiên Tân sẽ đi lại bằng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Thành phố sinh thái Thiên Tân được xây dựng ở vị trí cách thủ đô Bắc Kinh 150 km về phía đông từ năm 2008 và đến năm 2020 mới hoàn thành. Trong năm 2012, đã có khoảng 60 hộ gia đình dọn về sinh sống. Họ là những người thử nghiệm mô hình sống bền vững đầu tiên ở Thiên Tân – một thử nghiệm tiên phong tiến tới làm mô hình cho các thành phố khác.
Ông Wang Meng, Phó giám đốc dự án xây dựng Thiên Tân, nói: “Ở Trung Quốc, chúng tôi có dân số rất lớn nhưng thiếu tài nguyên thiên nhiên. Khai thác quá độ các tài nguyên này đã khiến các thành phố của chúng tôi không thể phát triển bền vững. Thành phố sinh thái là một thử nghiệm đang được thực hiện trong bối cảnh đó. Chúng tôi đang tìm cách tiếp cận bền vững cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Theo dự án, thành phố mới sẽ có trường học, bệnh viện, các quận kinh doanh... trải dài trên một diện tích 30 km2 đất vốn là đất nhiễm mặn và đất làng chài gần cảng công nghiệp Binhai.
Theo ông Wang, dự án Thiên Tân cố ý chọn khu vực đất bị ô nhiễm nặng nề và không có nước ngọt để chứng tỏ một điều rằng những dự án sinh thái như vậy có thể thực hiện ở bất kỳ nơi nào.
Anh Xie Kai 30 tuổi đã chuyển đến Thiên Tân từ tháng 3 cùng gia đình mình sau khi mua được một căn hộ với giá ưu đãi ở đây. Anh cho biết anh bị thu hút bởi đặc điểm thân thiện với môi trường của thành phố. Ngoài ra, thành phố cũng rất thuận tiện cho công việc kinh doanh của anh cũng như việc đi lại và cơ hội học hành cho cậu con trai nhỏ.
Phát biểu với phóng viên AFP, anh nói: “Giáo dục và giao thông là hai điểm mạnh ở đây. Bạn sống cách Bắc Kinh chỉ 100 km và đây là một thành phố có cơ sở giáo dục rất tốt. Bạn cũng sống ở một nơi mà người ta quan tâm tới môi trường và có rất nhiều không gian xanh”.
Thành phố sinh thái Thiên Tân không phải là dự án đầu tiên về sinh thái ở Trung Quốc. Năm 2005, Trung Quốc và Anh đã hợp tác xây dựng thành phố sinh thái đầu tiên của thế giới trên một hòn đảo ngoài Thượng Hải mang tên Dongtan. Dongtan được coi là “thành phố của tương lai” và hướng tới cung cấp nơi ở không có cácbon cho khoảng 10.000 người kể từ năm 2010. Tuy nhiên, dự án bị chậm trễ cho cáo buộc tham nhũng và đến nay vẫn chưa xong.
Dự án xây hàng chục thành phố sinh thái ít cácbon cũng đang nảy nở khắp Trung Quốc trong bối cảnh các nhà phát triển dự án đua nhau kiếm tiền bằng xây dựng xanh.
Tuy nhiên, ông Wang tỏ ra thận trọng khi cho rằng trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, ngoài yếu tố xanh, các dự án như Thiên Tân còn cần nhiều điều nữa để thu hút người dân đến ở. Ông nói: “Báo chí đang theo dõi dự án sát sao và người dân địa phương cũng dần quen thuộc hơn với khái niệm xanh. Các căn hộ đang được bán khá tốt. Khu vực Binhai của Thiên Tân đang trở thành trung tâm tăng trưởng quan trọng thứ ba ở Trung Quốc. Thành phố này sẽ hấp dẫn ngày càng nhiều người muốn đến đây sống và làm việc”.
Thùy Dương (theo AFP)