Thị trấn nhỏ dùng robot để đuổi gấu

Người dân thị trấn Takikawa ở Nhật Bản đang phải nhờ hai con robot “Sói quái vật” để xua đuổi loài gấu tránh xa nơi ở và gia súc của họ.

Chú thích ảnh
Bộ dạng gớm ghiếc của "Sói quái vật". Ảnh: AFP

Đài truyền hình NHK đưa tin hồi tháng 9 tại thị trấn nhỏ bé nằm trên đảo Hokkaido này bỗng xuất hiện nhiều đàn gấu, đe dọa đến cuộc sống của người dân. Để khắc phục tình trạng trên, giới chức địa phương đã lắp đặt hai con robot mang tên “Sói quái vật” để dọa đàn gấu. Họ cho biết kể từ đó đàn gấu không còn bén mảng gần thị trấn nữa. 

Gần đây, tình trạng gấu xuất hiện tại các khu dân cư ở Nhật Bản ngày càng nhiều, đặc biệt tại vùng nông thôn ở phía Tây và phía Bắc. Từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra hàng chục vụ gấu tấn công người, khiến hai người tử vong. Tháng 10 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã phải nhóm họp khẩn cấp nhằm xử lý mối đe dọa từ loài gấu. 

“Sói quái vật” của dân làng Takikawa có 4 chân, bộ lông bờm xờm, mắt phát sáng đỏ rực. Nó chạy bằng năng lượng Mặt trời. Khi bộ phận cảm biến chuyển động được kích hoạt, đầu của robot sẽ cử động, nháy đèn và phát ra nhiều tiếng động ầm ĩ. Ông Ohta Seiki, người chế tạo robot “Sói quái vật”, đã bán được 70 con trong hai năm gần đây. (Xem video dưới đây. Nguồn: Daily Mail)

Những con gấu trở nên hiếu động và nguy hiểm hơn khi đi tìm kiếm thức ăn trước khi ngủ đông vào cuối tháng 11. Theo các phương tiện truyền thông địa phương, sự sụt giảm của các loại quả hạch trong tự nhiên có thể khiến các loài động vật đến gần khu dân cư để tìm thức ăn.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Nước biển ấm lên khiến các trận bão mạnh hơn và kéo dài lâu hơn
Nước biển ấm lên khiến các trận bão mạnh hơn và kéo dài lâu hơn

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học và Kỹ thuật thuộc Trường Cao học Okinawa, nước biển ấm lên do biến đổi khí hậu gây ra đang khiến các cơn bão mạnh hơn và kéo dài hơn sau khi vào đất liền, đồng thời có thể làm gia tăng mức độ tàn phá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN