Thanh niên Italy ươm mầm hy vọng tại nông trại

Một xu hướng mới đã nhen nhóm tại Italy khi thay vì đổ xô đi xin việc làm tại các văn phòng, một số sinh viên mới tốt nghiệp và doanh nhân trẻ ở nước này lại mạnh dạn khởi nghiệp trên các cánh đồng.

Quay trở lại với đất đai

Theo Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Lâm nghiệp Italy, có tới 11.485 cơ sở kinh doanh nông nghiệp được thành lập vào năm 2013, tăng 2,6% so với năm 2012. Khoảng 17% trong số này nằm dưới sự quản lý của các “ông chủ, bà chủ” dưới 30 tuổi.

Chịu tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng kéo theo tình trạng thất nghiệp gia tăng, nhiều thanh niên Italy quyết định quay trở về các cánh đồng tìm kế mưu sinh. Tuy nhiên, còn có hai yếu tố khác gây ảnh hưởng tới quyết định của giới trẻ nước này là tiềm năng ngành nông nghiệp và sự thay đổi trong nhận thức về cuộc sống.

Chàng thanh niên Piergiovanni Ferraresi, 23 tuổi, là một ví dụ điển hình cho xu thế trên. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, anh quay về làm việc tại nông trại của gia đình ở ngoại ô Verona, đông bắc Italy. Hiện nay, công việc kinh doanh của Ferraresi gặp nhiều thuận lợi và anh thậm chí còn tuyển dụng thêm hai nhân viên làm việc cho mình.

Theo báo cáo từ Viện nghiên cứu nông nghiệp INEA, vào năm 2012, Italy có hơn 800.000 đơn vị kinh doanh nông nghiệp với khoảng 849.000 người lao động.


Một nghiên cứu mới đây do tổ chức nông dân có tên gọi Coldiretti tiến hành cho thấy, có tới 54% người Italy dưới 35 tuổi muốn làm việc trong ngành nông nghiệp hơn là làm việc cho một công ty đa quốc gia (21%) hay trong lĩnh vực ngân hàng (13%).

Kết quả nghiên cứu này cũng lý giải cho hiện tượng số sinh viên lựa chọn học đại học chuyên ngành nông nghiệp đã tăng 45% và số học viên muốn đăng ký chương trình liên quan đến nông nghiệp trong các trường học nghề cũng tăng 12%.
Mặc dù vậy, kinh doanh nông nghiệp không phải là công việc dễ dàng, đặc biệt đối với những người không phải là “con nhà nòi”.

Năm 2011, Pietro Luchini, 28 tuổi, có cha là bác sĩ, đã cùng hai người bạn học bắt tay vào việc trồng rau sau khi tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên chỉ một năm sau đó, họ đã buộc phải từ bỏ nghề này bởi lợi nhuận thấp và không đủ sức khỏe để làm việc 14 tiếng/ngày. Trong nhóm ba người, giờ chỉ còn Luchini kiên trì bám trụ với ngành nông nghiệp và quyết tâm không bỏ cuộc. Luchini, hiện đang sản xuất mật ong tại Tuscan, chia sẻ một cách hài lòng: “Mật ngọt của thành công đang đến, sản phẩm mật ong do tôi sản xuất đã được bán khắp Italy. Theo đúng kế hoạch, những thùng mật ong của tôi sẽ sớm được xuất khẩu tới Australia. Điều đó thật phấn khích”.

Một doanh nhân trẻ khác lại trở về Italy từ nước ngoài để theo đuổi cơ hội lập nghiệp trong ngành nông nghiệp. Guido Pallini, 28 tuổi, đã làm việc tại một ngân hàng ở Anh trong hơn 1 năm trước khi trở về Italy. Hiện tại, Pallini sản xuất phomát từ sữa trâu với đủ chủng loại phong phú như mozzarella, ricotta, taleggio, và sản phẩm của anh đã được phân phối khắp khu vực. Pallini chia sẻ: “Khởi điểm thật không dễ dàng chút nào, đặc biệt là việc thuyết phục các ngân hàng Italy để có được khoản vay vào thời điểm khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, mọi thứ đang dần tiến triển”.

Tiềm năng chưa được khai thác


Mặc dù nông nghiệp chưa bao giờ được coi là nòng cốt của nền kinh tế Italy nhưng chính phủ đất nước hình chiếc ủng đã bắt đầu nhận thấy tiềm năng to lớn của ngành này.

Bộ trưởng Nông nghiệp Italy Maurizio Martina đã ra sức ủng hộ sắc lệnh đưa 5.500 ha đất thuộc sở hữu của chính phủ ra thị trường và khuyến khích các doanh nhân kinh doanh nông nghiệp với lãi suất ưu đãi 0% và giảm thuế.

Cô Maria Letizia Gardoni, một chuyên gia về nông nghiệp thuộc tổ chức Coldiretti, nhận định: “Đó là sự khởi đầu thuận lợi. Tuy nhiên trong tương lai còn nhiều điều cần phải làm bởi nông nghiệp Italy có tiềm năng khổng lồ nhưng vẫn chưa được khai phá hết”.


Hà Linh (Theo Aljazeera)

40% người Italy muốn rời Eurozone
40% người Italy muốn rời Eurozone

Năm 2014, số người Italy muốn nước mình rút khỏi Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) để quay trở lại dùng đồng lira như trước kia đã lên đến 40,1%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN