Nổi bật giữa những bụi cây và đống cỏ khô ở một vùng quê Tây Ban Nha là hơn 100 cối xay gió khổng lồ, liên tục hoạt động cả ngày lẫn đêm để tạo ra lượng điện năng đáp ứng nhu cầu của 600.000 người.
Một trang trại gió tại Tây Ban Nha. Ảnh: Internet |
Từ thành phố Marachon gần đó, người ta có thể nghe thấy tiếng ù ù của những cánh quạt gió quay ở độ cao ngang với một tòa nhà 23 tầng. Cánh đồng gió này nằm cách thủ đô Mađrít 150 km về phía đông bắc và là cánh đồng gió lớn thứ hai ở Tây Ban Nha, một trong những nước dẫn đầu thế giới về năng lượng tái sinh, đặc biệt là năng lượng gió. Quê hương của chàng hiệp sĩ nổi tiếng Đôn Kihôtê xứ Mantra trong bộ tiểu thuyết cùng tên hiện sở hữu số lượng lớn tuốcbin gió nhờ các công ty năng lượng được chính phủ khuyến khích và hỗ trợ đã tận dụng điều kiện thời tiết hết sức thuận lợi cũng như diện tích lớn đất đai còn trống.
Tại đây, năng lượng gió đã vượt qua nguồn năng lượng hạt nhân. Từ tháng 3/2011, nguồn năng lượng sạch này đã trở thành nguồn cung cấp điện chính của đất nước, chiếm tới 21% nhu cầu sử dụng, tương đương với nhu cầu tiêu thụ điện năng của cả nước Bồ Đào Nha.
Công ty điện Iberdrola của Tây Ban Nha, doanh nghiệp năng lượng gió hàng đầu thế giới xét về quy mô cơ sở vật chất, đã xây dựng một trang trại gió ở thành phố Maranchon vào năm 2006 sau khi cân nhắc những nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường. "Công viên (trang trại) này mỗi năm cung cấp khoảng 2.300 - 2.400 giờ điện, ở mức tương đối tốt", ông Fernando Marchan, một quan chức của chi nhánh Iberdrola Renovables, thuộc công ty Iberdrola cho biết.
Mỗi cối xay gió có công suất tương đương 2 megawatt điện năng. So với các nguồn năng lượng khác, các nhà máy năng lượng điện sạch này đã góp phần cắt giảm hơn 400.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm.
Những chiếc cối xay gió đầu tiên được xây dựng tại Tây Ban Nha từ những năm 1990. Chỉ trong vòng 20 năm sau, nước này đã vượt qua Đức để trở thành nhà sản xuất phong điện hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU).
Xét trên quy mô toàn cầu, Tây Ban Nha là nước xếp hàng thứ ba trong sản xuất phong điện, sau Mỹ và Trung Quốc.
Theo cơ quan chuyên trách về điện năng REE, trong tháng 3/2011, các nguồn năng lượng tái sinh đáp ứng 42,2% nhu cầu tiêu thụ, chủ yếu là phong điện và thủy điện, trong khi năng lượng mặt trời chỉ chiếm 2,6%.
Ngoài phong điện, năng lượng mặt trời dù chiếm tỉ trọng khá khiêm tốn nhưng cũng đã được chú trọng phát triển tại Tây Ban Nha. Công ty năng lượng Abengoa đã xây dựng hai tháp năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới từ năm 2007 tại thành phố đông nam Sanlucar la Mayor. Giám đốc Valerio Fernandez cho biết, "Tháp hoạt động nhờ các tấm gương lớn phản chiếu ánh sáng mặt trời gắn trên đỉnh. Lượng nhiệt thu được sẽ đun nóng chất lỏng, từ đó cấp năng lượng cho tuốcbin".
Khu vực đông nam Andalusia, nơi các tòa tháp tọa lạc, mỗi năm tận dụng được khoảng 200 ngày nắng do đây là một trong những khu vực nhiều nắng nhất thế giới, rất lý tưởng cho việc xây dựng các cánh đồng năng lượng mặt trời và nhiệt điện. Các tòa tháp, cùng 1.900 tấm gương có diện tích mỗi tấm tương đương một căn hộ ba giường ngủ, có năng suất đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của 15.000 hộ gia đình.
Quang Minh (Theo AFP)