Tây Ban Nha: Một lương hưu “gánh” ba thế hệ

Theo truyền thống, cha mẹ nuôi dưỡng con cái cho đến khi chúng có thể tự đi trên chính đôi chân của mình. Và khi đã trưởng thành, con cái có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già. Thế nhưng giờ đây, khủng hoảng kinh tế tại châu Âu đang làm đảo lộn truyền thống lâu đời đó. Nhật báo El Pais của Tây Ban Nha mới đây đã đăng tải bài viết “Tây Ban Nha: Một lương hưu “gánh” ba thế hệ” đề cập đến vấn đề này.


 

Khủng hoảng cũng tạo cơ hội đoàn tụ gia đình (ảnh minh họa).

 

Một ví dụ điển hình cho tình trạng con cháu phải sống nhờ cha mẹ già là trường hợp bà Isabel N., 52 tuổi, cùng con trai và bạn gái của anh này. Cậu con trai 29 tuổi của bà Isabel là thợ nề, song đã bị thất nghiệp. Bản thân bà Isabel cũng bị mất việc từ năm 2009, may nhờ vào khoản tiền trợ cấp và tài xoay sở, bà đã giữ được chỗ ở bằng cách thương lượng lại tín dụng bất động sản và giảm được tiền trả nợ tín dụng hàng tháng từ 500 euro xuống còn 250 euro. Không may là tập đoàn tài chính chỉ chấp nhận thương lượng lại nợ mà không chấp nhận xóa nợ, nên căn hộ của bà đã bị tịch thu. Cuối cùng, con trai bà phải rời nhà đi tìm việc làm ở nước khác, còn bản thân bà phải quay về sống chung với người mẹ 80 tuổi tại Mađrít.


Tại một đất nước ngày càng có thêm nhiều người rơi vào cảnh nghèo thì những người về hưu đã trở thành một kiểu lá chắn trước làn sóng khủng hoảng kinh tế - tài chính.


Thất nghiệp bắt đầu lan sang nhiều thế hệ. Khi mới xảy ra khủng hoảng, chỉ có giới trẻ trong độ tuổi 30 phải quay về sống chung với bố mẹ thì giờ đây, đến lượt những người lao động trong độ tuổi 40. Trong bối cảnh hiện nay, chỉ những người về hưu là tầng lớp có mức thu nhập ổn định nhất. Theo nghiên cứu “Khủng hoảng và rạn nứt xã hội” do Quỹ La Caixa công bố hồi tháng 11 vừa qua, số hộ gia đình Tây Ban Nha, trong đó tất cả các thành viên trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp trong năm 2010, về sống chung với một người về hưu trên 65 tuổi chiếm đến 7,8%. Tỷ lệ này đã tăng lên nhiều so với năm 2007, và cao hơn so với các nước như Anh, Pháp hay Đan Mạch. Thực tế này cho thấy, trong thời khủng hoảng, lương hưu đã trở thành nguồn thu nhập ổn định hơn rất nhiều so với là thù lao làm việc của người trong độ tuổi lao động.


Tuy nhiên, thực trạng này cũng có mặt tích cực: Khủng hoảng giúp đoàn tụ các gia đình. Không những con cái về sống chung với cha mẹ, mà người già cũng buộc phải rời các nhà dưỡng lão quá tốn kém để trở về với con cái. Xã hội Tây Ban Nha đang quay về với thời kỳ nhiều thế hệ trong gia đình sống chung dưới một mái nhà. Dĩ nhiên, không thể tránh khỏi việc có nhiều thế hệ thì có nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng cũng có người cho rằng đây là một dịp để con cái và cha mẹ hòa giải những bất đồng với nhau.

 

TKT

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN