Ý tưởng của cậu sinh viên đang theo học ngành khoa học môi trường tại Đại học Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ nảy sinh trong một mùa hè đi làm từ thiện ở Camphuchia. Khi đó, Samir đã nhìn thấy một phụ nữ sử dụng nước giặt quần áo để tắm rửa cho con. Anh bắt đầu cảm thấy lo lắng bởi thứ nước giặt này chứa các chất hóa học cực độc gây chứng nôn mửa, dị ứng cho da và mắt. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa bệnh tật, song thói quen tắm rửa sai phương pháp không những không có lợi mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngay lập tức, Lakhani nảy ra ý nghĩ cần phải làm gì đó để thay đổi thực trạng này.
Vào thời điểm đó, tổ chức phi chính phủ Trailblazer Cambodia Organization (TCO), nơi Lakhani đang làm việc và có trụ sở ở tỉnh Siem Reap, nằm phía Tây Bắc Campuchia. Đây là một trung tâm du lịch vô cùng phát triển, có ngôi đền Angkor 800 năm tuổi thu hút hơn 2 triệu du khách tới tham quan mỗi năm. 500 khách sạn và nhà khách tại Siem Reap thường xuyên thải loại một lượng lớn bánh xà phòng đã qua sử dụng. Do vậy, “có lẽ không nơi nào phù hợp cho việc tái chế xà phòng hơn Siem Reap”, Lakhani nói.
Samir Lakhani đã mày mò cách tái chế xà phòng giúp người nghèo Campuchia. |
Lakhani bắt đầu thử nghiệm tái chế ngay tại phòng khách sạn. Khi đã mua được các vật dụng cần thiết như máy cắt thịt, máy nghiền thịt, dụng cụ mài pho mát, Lakhani tập trung nghiên cứu về thành phần hóa học. Anh tham khảo những người bạn có chuyên môn và nhanh chóng tìm ra phương pháp ghép các mẩu xà phòng cũ thành một bánh xà phòng hoàn toàn mới.
Sau giai đoạn thử nghiệm, Lakhani đến từng khách sạn ở Siem Reap để thu gom xà phòng. Nhằm ủng hộ Lakhani thực hiện dự án, tổ chức phi chính phủ TCO đã giới thiệu một vài sinh viên tình nguyện trong vùng cho anh, đồng thời cho mượn địa điểm để sản xuất xà phòng.
Quay trở về trường để hoàn thành kỳ học cuối, Lakhani kêu gọi mọi người gây quỹ và nhận được khoản tiền tài trợ lớn từ các khách sạn, cho phép anh trả lương cho công nhân. Trong khoảng thời gian này, Lakhani gặp rất nhiều khó khăn. Mọi công sức đều đổ dồn vào dự án, do đó anh không có nhiều thời gian dành cho việc học. Mặc dù vậy, Lakhani đã tốt nghiệp vào năm ngoái và làm việc ở cả Mỹ và Campuchia.
Hai năm kể từ ngày lên ý tưởng, tổ chức Eco - Soap Bank do Lakhani thành lập đã tuyển dụng được 30 nhân viên ở 3 cơ sở khác nhau trên khắp Campuchia, thu gom xà phòng từ 170 khách sạn và cung cấp miễn phí cho 650.000 người nghèo cùng với hàng trăm trường học. “Đại sứ vệ sinh” từ một loạt tổ chức từ thiện hợp tác với Eco - Soap Bank đã đến tận nơi để hướng dẫn trẻ em vệ sinh đúng cách.
Không chỉ cung cấp xà phòng, Eco - Soap Bank còn đem lại thu nhập cho người dân địa phương. Bà Channy (40 tuổi), tham gia tổ chức Eco - Soap Bank khoảng một vài tháng trước cho biết, bà từng làm việc tại xưởng may và tiệm giặt là. Nhận thấy việc tái chế xà phòng khá nhẹ nhàng, bà bỏ hẳn công việc trước đây.
Công việc hàng ngày của Channy là thu lượm xà phòng bị bỏ từ khách sạn, gạt bỏ lớp bọt bẩn bên ngoài và cắt thành miếng nhỏ, đem ngâm vào dung dịch clo trong vòng 2 phút trước khi được đổ vào khuôn để ép thành bánh xà phòng mới. Bánh xà phòng mới có đủ các màu sắc do được ghép từ nhiều miếng xà phòng riêng biệt. Nó có mùi khá giống mùi bể bơi và thoang thoảng giống trà nhài.
Xà phòng được coi là một vật xa xỉ ở vùng nông thôn Campuchia. Trong khi một vài người dùng chất tẩy thì những người khác dùng tro và đất để làm vệ sinh. Rửa tay cũng chỉ đơn thuần là rửa với nước lã, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh như nhiễm trùng, viêm phổi, thương hàn và ỉa chảy.
Theo bác sĩ Nget Pises đến từ bệnh viện nhi Angkok tại Siem Reap, “bệnh tiêu chảy đứng thứ ba trong danh sách các bệnh gây tử vong nhiều nhất ở trẻ tại Campuchia”. Bác sĩ cũng cho biết xà phòng có thể loại bỏ 70% vi khuẩn và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy từ 40 - 60%.