Tái cơ cấu nông nghiệp: Bài học từ Israel - Bài 1

Trong những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Israel đã có những bước phát triển nhảy vọt và vững chắc, với kim ngạch song phương tăng gần gấp đôi lên hơn một tỉ USD hiện nay.

Theo nhận định, xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong những năm tới do Việt Nam đang tiến hành tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, trong khi Israel thực hiện chính sách hướng Đông nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, xuất khẩu công nghệ và dịch vụ sang các nước châu Á, trong đó Việt Nam được xem là đối tác quan trọng.

THÀNH CÔNG NHỜ BIẾT THAY ĐỔI VÀ SÁNG TẠO

Hệ thống tưới theo phương pháp nhỏ giọt trên cánh đồng trồng bông ở sa mạc Negev. Ảnh: LDT

Mặc dù không được thiên nhiên ưu đãi, với hơn 1/2 diện tích đất đai là sa mạc, khí hậu khắc nghiệt và thiếu hụt nguồn nước, Israel vẫn trở thành nước xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, chủ yếu sang thị trường Liên minh châu Âu.

Nhờ biết phát triển và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, người nông dân Israel đã biến những sa mạc khô cằn thành những cánh đồng trù phú, đáp ứng tới 95% nhu cầu lương thực của quốc gia này. Các công nghệ tái chế nước, tưới nhỏ giọt, bảo quản... của Israel không những giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn giúp tiết kiệm nguồn nước và đảm bảo môi trường sinh thái.

Sự thành công của Israel hiện nay là nhờ chủ trương thay đổi cơ cấu nền nông nghiệp từ cách đây hơn 2 thập niên, giúp giảm mạnh số lượng nông trại và nông dân cá thể trong khi tăng qui mô và tính hiệu quả của các nông trại. Người nông dân Israel còn được trang bị các kỹ năng kinh doanh rất phát triển cũng như khả năng quản trị cần thiết để đương đầu với sự thay đổi nhanh chóng và năng động của nền nông nghiệp hiện đại.

Nhà lưới trồng chuối để tránh côn trùng. Ảnh: LDT


Bên cạnh đó, sự thành công của Israel một phần do chính người nông dân biết thích nghi và sẵn sàng ứng dụng những đổi mới, bí quyết và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa người nông dân với các chuyên gia nghiên cứu và phát triển và các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp. Nói cách khác, khu vực nông nghiệp Israel đã trở thành một "phòng thí nghiệm" để phát triển những công nghệ nông nghiệp mới rồi phổ biến ra khắp thế giới.

Việc tái cơ cấu nền nông nghiệp của Israel còn nhằm một mục đích rộng hơn. Đó là chấp nhận một hướng đi toàn diện hơn cho phát triển nông thôn, trong đó sản xuất lương thực, thực phẩm - xương sống của đời sống nông thôn - tác động tới một loạt những hoạt động kinh tế rộng lớn hơn, từ các ngành chế biến thực phẩm và đóng gói bao bì tới những dự án công nghiệp khác, các ngành dịch vụ và thậm chí phát triển du lịch sinh thái. Israel ưu tiên phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường, phát triển nông thôn và sản xuất lương thực. Cùng với đó là các chính sách gắn liền với người dân ở khu vực nông thôn, bao gồm hỗ trợ nghề và các sáng kiến đem lại lợi ích nhằm phát triển hạ tầng và dịch vụ.


Từ góc độ nghiên cứu, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đã chỉ ra bốn yếu tố dẫn đến sự thành công của Israel: Một là tất cả các khâu sản xuất nông nghiệp đều được tổ chức dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật tiên tiến, từ khâu đầu vào đến tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Hai là nền nông nghiệp Israel áp dụng công nghệ quản trị rất cao trên cơ sở phát huy nền tảng của công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của quá trình tổ chức sản xuất, như qui hoạch, định dạng và phân phối thị trường để đảm bảo hiệu quả tối đa cho quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp. Ba là tiết kiệm tối đa các cơ sở đầu vào của sản xuất, từ tài nguyên đất, nước đến tất cả vật tư nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả tối đa song vẫn đảm bảo tính bền vững. Bốn là sự kết hợp giữa các nhà trong sản xuất nông nghiệp tại Israel rất rõ và nhuần nhuyễn, gồm nhà doanh nghiệp, nhà nông, ngân hàng và nhà khoa học.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành tái cơ cấu nền nông nghiệp, việc học hỏi những kinh nghiệm và ứng dụng công nghệ cao của Israel có thể giúp tăng hiệu quả và tạo sức bật cho nông nghiệp của Việt Nam. Chính vì thế, việc hợp tác và ứng dụng các công nghệ của Israel vào phát triển nông nghiệp Việt Nam hiện đang được rất nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia và doanh nghiệp trong nước quan tâm.

Xem Bài cuối: TRIỂN VỌNG HỢP TÁC NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - ISRAEL tại đây
Bùi Hoàn (P/v TTXVN tại Israel)
Tái cơ cấu nông nghiệp: Bài học từ Israel - Bài cuối
Tái cơ cấu nông nghiệp: Bài học từ Israel - Bài cuối

Cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ về kim ngạch thương mại song phương, Việt Nam và Israel đã tiến hành trao đổi nhiều đoàn cấp cao và chuyên viên nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN