Với một thủ đô Seoul ngày càng đông đúc, Hàn Quốc đã ấp ủ một kế hoạch đầy tham vọng nhằm xây dựng một thành phố hành chính mới mang tên Sejong. Đây không chỉ là nơi đặt trụ sở một số cơ quan công quyền chủ chốt mà còn là biểu tượng về công nghệ của “Xứ sở kim chi”.
Thành phố Sejong nhìn từ trên cao. |
Sejong, được đặt theo tên vua Sejong (trị vì từ 1418 - 1450), cách Seoul 120km về phía đông nam, là nơi có những không gian sống rộng mở, các địa hạt được phân định rõ rệt và kiến trúc gây ấn tượng mạnh. Thiết kế đô thị tân tiến của thành phố này gồm có một khu vườn nằm trên nóc nhà dài 3,6km, kết nối 18 cơ quan chính phủ trong tòa nhà chính quyền phía dưới, tái hiện hình ảnh một con rồng đang bơi nếu nhìn từ trên cao.
Ông Lee Cheong Jae, Chủ tịch Cơ quan xây dựng thành phố hành chính đa chức năng (Macca), nhân vật đứng đằng sau kỳ công Sejong, cho hay: “Đây không chỉ là một thành phố mới, nó là một ‘thành phố cho tương lai’. Người dân có thể tới đây làm việc hay chiêm ngưỡng những tiêu chuẩn kiến trúc”.
Khoảng 346 trong số 460 cơ quan chính phủ từng nằm ở Seoul. Hiện tại, chúng đang được rải ra khắp đất nước. 36 cơ quan, trong đó có Bộ Xây dựng và Giao thông, Bưu chính Hàn Quốc và Tòa án Thuế Quốc gia, đang được di dời về Sejong.
Sejong được lên kế hoạch xây dựng vào năm 2004 và việc xây dựng thành phố rộng 72,91 km2 này bắt đầu vào năm 2006. Hiện nay, 40% công việc xây dựng đã hoàn thành với khoảng 30.000 người đang sinh sống ở Sejong. Tới năm 2030, mục tiêu là thành phố sẽ đón khoảng nửa triệu cư dân.
Các khu vực chính phủ, thương mại, giáo dục, công nghiệp, dân cư của Sejong đang phát triển mạnh ra ngoài “như những cánh hoa nở từ khu trung tâm ‘xanh’ của thành phố”. Tại đây có một công viên hồ nước vươn dài và một dãy núi thấp hoang sơ. Ông Lee cho biết: “Chúng tôi muốn mở rộng tất cả các mốc ranh giới và đặc trưng của thành phố. Chúng tôi đã thiết kế để công viên trung tâm trở thành một không gian mở để mọi người có thể tận hưởng”.
Ngoài tòa nhà chính phủ trung ương cao 7 tầng với khu vườn trên nóc nhà (một không gian công cộng), công trình quan trọng thứ hai của Sejong là nhà thư viện, trông giống một chiếc đàn harmonica khổng lồ bao phủ bằng kính. Thiết kế của tòa nhà biểu trưng cho thành phố này dựa trên hình một quyển sách mở.
Nằm tại phần nhô ra trên mặt hồ là một bán cầu bằng kính khổng lồ, đây là phòng hòa nhạc chứa 680 chỗ ngồi. Năm hòn đảo mang theo đèn lồng nổi bập bềnh trên mặt hồ. Gần kề công viên là vùng đồi núi vốn được lưu giữ như một lá phổi xanh. “Ở Hàn Quốc, các thành phố mới có từ 20 - 30% không gian xanh. Nhưng tại Sejong, tỷ lệ này là 52%”, ông Lee nói.
Phương tiện vận tải ở Sejong là những chiếc xe buýt chạy trên đường phố, không có bóng dáng loại hình giao thông khác. Người dân có thể đến được mọi khu vực trong thành phố chỉ trong vòng 20 phút. Sejong đang có kế hoạch thử nghiệm tàu điện, xe buýt điện và xe buýt không người lái với ước tính 70% cư dân sẽ sử dụng hệ thống giao thông công cộng.
Nhiều công nghệ thân thiện với môi trường cũng được áp dụng tại Sejong. Rác được chia thành rác thực phẩm và phi thực phẩm. Rác được vận chuyển qua các máng nằm dưới làn xe buýt tới một khu phức hợp phân loại tự động, sau đó được tái chế để cung cấp năng lượng cho các nhà máy điện sinh khối và khí metan.
Có khoảng 4 km đường cho xe đạp có mái che phủ các tấm pin mặt trời, cung cấp điện cho 1.800 hộ gia đình. Cư dân thành phố thậm chí có thể lên đồi và lấy nước từ các trạm lọc nước suối tự nhiên.
Tuy nhiên, khu vực thương mại của Sejong gần như là một khoảng trống, nếu so với Seoul. “Ở đây, chúng tôi có xu hướng lấy gia đình và cảnh quan tự nhiên làm trung tâm”, ông Lee thừa nhận.
Trần Anh (theo Strait Times)