Nhà hàng nước ngoài “lên ngôi” ở Nigiêria

Bên trong một cửa hàng mang phong cách thập niên 1950 của hãng thức ăn nhanh Johnny Rockets (Mỹ), các nữ nhân viên khe khẽ hát ca khúc của Aretha Franklin trong lúc chuẩn bị hamburger và sữa lắc. Nếu là ở Mỹ thì hình ảnh này không lạ, bởi Johnny Rockets có hàng trăm cửa hàng như vậy. Nhưng đây là Nigiêria, nơi các nhà đầu tư nước ngoài luôn do dự bởi những khó khăn về hậu cần, tình trạng thiếu điện và vấn nạn tham nhũng.


 

Cửa hàng Johnny Rockets tại thành phố Lagos.

Tại đất nước hơn 160 triệu dân này, phần lớn dân số còn sống trong nghèo khổ. Theo một nghiên cứu của Cục Thống kê quốc gia, chỉ có hơn 60% người dân Nigiêria kiếm được gần 1 USD/ngày. Và hàng thập kỷ nay, chỉ một phần nhỏ những người làm trong ngành công nghiệp dầu mỏ hoặc các cơ quan chính phủ mới được coi là giàu có.


Tuy nhiên sau khi chế độ cầm quyền quân sự chấm dứt vào năm 1999, nền kinh tế của Nigiêria bắt đầu mở cửa cùng với nhiều việc làm mới tại các ngân hàng, và thị trường điện thoại di động thì tăng trưởng mạnh mẽ. Làn gió mới đó đã sản sinh ra một tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng. Theo một nghiên cứu tháng 9/2011 của Công ty đầu tư Renaissance Capital, những người thuộc tầng lớp này kiếm được 480 - 645 USD/tháng (khoảng 10 - 15,5 triệu đồng) và hiện nay họ đang chiếm 1/4 dân số Nigiêria. Điều này đã kéo theo nhu cầu lui tới các quán ăn mang thương hiệu nước ngoài tại quốc gia đông dân nhất châu Phi này.


Qua thời gian, những con số lạc quan về kinh tế đã dần khiến Nigiêria trở thành “miếng bánh” thu hút các nhà kinh doanh nước ngoài. Trên “địa phận” bán lẻ, các công ty Nam Phi thi nhau kéo đến đây tìm kiếm những địa điểm mở cửa hàng tại các trung tâm thương mại mới trên khắp Lagos, thành phố lớn nhất Nigiêria. Chuỗi siêu thị của Công ty MassMart Holdings ngày càng thu hút được nhiều khách hàng hơn ngay cả khi những cửa hàng nhỏ tại các khu chợ vẫn là nơi mà hầu hết người dân Nigiêria đến để mua thực phẩm.


Thị trường này cũng đang thu hút rất nhiều chuỗi nhà hàng của Mỹ. Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh KFC đã tăng trưởng nhanh chóng trên khắp đất nước Nigiêria với 17 cửa hàng được mở ở khắp các vùng tây nam. Thành công tương tự cũng đến với các nhãn hiệu Domino’s Pizza, Cold Stone Creamery - tất cả đều thu hút được một lượng lớn các thực khách.


Trở lại với cửa hàng của Johnny Rockets, những món ăn xa xỉ của hãng tất nhiên đi kèm với một mức giá khá cao. Một chiếc bánh kẹp phomai thịt xông khói cỡ to được bán với giá 3.500 naira (khoảng 460.000 đồng) và loại sữa lắc Vanilla sẽ được bán với giá 1.800 naira (khoảng 235.000 đồng). Dịch vụ đi kèm là những nụ cười, bài hát và một quang cảnh hiếm thấy tại Nigiêria, nơi thông thường, dịch vụ khách hàng sẽ nhanh chóng chuyển thành những tiếng mắng chửi bực tức.
Christopher Nahman, Giám đốc điều hành chi nhánh nhà hàng Johnny Rockets tại Lagos cho biết: “Ngay cả những người không quá dư dả cũng sẽ muốn có những trải nghiệm mới này”.


Trên thực tế các chuỗi nhà hàng nước ngoài vẫn gặp nhiều thách thức ở Nigiêria. Cửa hàng của họ luôn phải dựa vào máy nổ để phát điện bởi lưới điện do Nhà nước điều hành đôi khi có thể mất điện cả ngày. Nguồn cung bất cập cũng là một khó khăn khác. Nhiều nhà cung cấp của Nigiêria không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn phương Tây và hàng hóa nhiều khi bị ùn đống hàng tuần tại cảng chính ở Lagos.


Tuy nhiên doanh thu của các thương hiệu nước ngoài vẫn tăng và chắc chắn sẽ tăng nhiều hơn nữa nếu kinh tế Nigiêria tiếp tục phát triển cùng với tầng lớp trung lưu đang tìm kiếm sự giải thoát từ những cực nhọc trong cuộc sống thường ngày. Ade-Odiachi, một khách hàng của Johnny Rockets, cho biết: “Nơi đây tất nhiên không phải là một địa điểm để đến hàng ngày. Đó chỉ là đôi khi tôi muốn ăn mừng một vài điều nhỏ nhoi trong cuộc đời mình”.


H.Linh (theo AP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN