Người tị nạn tại khu vực viên giới Slovenia - Áo ngày 5/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Truyền thông Thụy Sĩ ngày 14/1 đưa tin, người di cư đến nước này phải đóng góp cho nhà nước mọi tài sản trị giá trên 1.000 franc Thụy Sĩ (khoảng 994 USD) để hỗ trợ chi phí sinh hoạt của mình trong khi chờ đợi được tị nạn. Biện pháp tương tự cũng đang được xem xét tại Đan Mạch trong bối cảnh lượng người tìm kiếm tị nạn đổ vào châu Âu quá đông trong năm qua.
Đài truyền hình SRF của Thụy Sĩ công bố bằng chứng là hóa đơn của một người tị nạn từ Syria cho thấy đã nộp hơn một nửa số tiền mặt còn lại của cả gia đình cho nhà chức trách. Người này cho biết khi đến trung tâm tiếp nhận, nếu có tài sản trị giá trên 1.000 franc Thụy Sĩ người tìm kiếm tị nạn được yêu cầu nộp lại, các đóng góp này có hóa đơn xác nhận.
Đại diện Cơ quan Di trú Thụy Sĩ (SEM), nơi quyết định áp dụng biện pháp trên, cho biết luật nước này kêu gọi người tìm kiếm tị nạn và người tị nạn đóng góp tài chính trong khả năng cho phép cho chi phí xét duyệt đơn và hỗ trợ xã hội. Nếu người nộp đơn hoặc người tị nạn tự nguyện rời nước đến sau 7 tháng, họ có thể nhận lại số tiền đã đóng góp.
Thêm vào đó, người được chấp nhận tị nạn và được phép lao động tại Thụy Sĩ sẽ phải đóng 10% tiền lương, tối đa trong 10 năm, cho đến khi hoàn lại đủ 15.000 franc mà nhà nước đã chi phí cho họ.
Trong lúc này, Nghị viện Đan Mạch, đất nước đã đón 21.000 người di cư trong năm 2015 và có tiếng là hào phóng trong luật tị nạn, cũng đã bắt đầu các cuộc tranh luận về dự luật tương tự, cho phép nhà chức trách thu của người di cư tiền mặt hoặc tài sản nếu giá trị vượt quá 10.000 kronor Đan Mạch (khoảng 1.450 USD), trừ những đồ vật có giá trị tinh thần như nhẫn cưới, chân dung gia đình và huân huy chương. Số tiền thu này dùng để bù một phần chi phí ăn ở của người tìm kiếm tị nạn tại các trung tâm tiếp nhận.
Biện pháp trên của Thụy Sĩ và Đan Mạch đang vấp phải những chỉ trích từ phía Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR), cho rằng thiếu nhân đạo với những người đã mất nhà cửa và phần lớn tài sản tại quê nhà.
Trong động thái liên quan đến chính sách đối với người tị nạn, ngày 14/1, Quốc hội Đức đã thông qua dự luật áp dụng thẻ căn cước theo mẫu thống nhất trên toàn quốc đối với người tị nạn. Từ nay đến giữa năm 2016, thẻ này sẽ được cấp cho người tìm kiếm tị nạn tại Đức, cho phép họ được nhận hỗ trợ xã hội. Thẻ này giúp thu thập thông tin về người tị nạn vào một cơ sở dữ liệu chung mà chỉ có các cơ quan có thẩm quyền được truy cập.