Suy thoái kinh tế kéo dài không chỉ khiến người Italy cắt giảm các khoản chi cho thực phẩm hàng ngày mà còn làm thay đổi cách ăn theo truyền thống của họ, được gọi là "thực đơn Địa Trung Hải", cấu thành từ các thành phần như dầu ôliu, rượu vang, rau xanh, pasta và bánh mì. Theo một nghiên cứu của Hiệp hội những người làm nông nghiệp Italy (Coldiretti), suy thoái kinh tế kéo dài từ năm 2008 đến nay đã khiến mức chi của người Italy cho thực đơn này giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nước Italy thống nhất vào năm 1861. Nghiên cứu của Coldiretti cho thấy, mức tiêu thụ dầu ôliu trên đầu người của Italy năm 2014 đã giảm 25%, xuống còn 9,2 kilogram, dưới cả Tây Ban Nha (10,4 kg/người/năm) và Hy Lạp (16,3 kg/người/năm).
Thực đơn "Địa Trung Hải” là một trong những nguyên nhân khiến tuổi thọ người Italy cao thuộc loại hàng đầu châu Âu. |
Lượng tiêu thụ rượu vang cũng đã giảm 19%, xuống còn xấp xỉ 20 triệu hectolit. Người Italy cũng ăn ít rau xanh hơn, với lượng tiêu thụ giảm 7%, xuống còn khoảng 130 kg/người trong năm ngoái, tương đương với 360 gram/ngày, thấp hơn mức tối thiểu 400 gram/ngày mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo. Tiêu thụ pasta và bánh mì của người Italy cũng giảm đáng kể vì khủng hoảng kinh tế. Cũng theo Coldiretti, ở Italy, chỉ có 18% dân số trên 3 tuổi ăn ít nhất 4 phần rau và hoa quả mỗi ngày.
Bánh mì, pasta, cá, hoa quả, dầu ôliu và rượu vang, từng được coi là công thức hưởng thụ cuộc sống qua ẩm thực của người Italy và là một trong những nguyên nhân khiến tuổi thọ người Italy cao thuộc loại hàng đầu châu Âu, với tuổi của nam giới đạt trung bình 79,8 và nữ là 84,8.
Tuy nhiên, việc suy thoái kinh tế khiến người Italy phải cắt giảm khẩu phần ăn và sự thay đổi thói quen ăn uống khiến cho 30,8% trẻ em Italy béo phì và có nguy cơ béo phì, đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân nước này và có khả năng để lại những tác hại lớn trong tương lai. Nghiên cứu sâu của Coldiretti về cách ăn uống của trẻ cho thấy, 41% số trẻ trong tầm 8 - 10 tuổi ở Italy thường xuyên uống nước có đường và ga và 25% số trẻ không ăn rau và hoa quả hàng ngày.
Coldiretti kêu gọi các trường học và các bậc phụ huynh quan tâm hơn nữa đến khẩu phần ăn của trẻ, để đảm bảo cho chúng đủ chất và không bị béo phì, đồng thời tìm cách khôi phục "thực đơn Địa Trung Hải" trong bữa ăn gia đình.
Báo cáo mới công bố của Cơ quan Thống kê nhà nước Italy (ISTAT), cho biết tỉ lệ thất nghiệp ở nước này trong năm 2014 là 12,7%, cao nhất kể từ khi tổ chức trên áp dụng các phương pháp tính mới về thị trường lao động vào năm 1977. Theo ISTAT, 12,7% là tỉ lệ cao chưa từng có, cao hơn nhiều tỉ lệ 12,1% của năm 2013, năm được cho là nặng nề nhất trong chuỗi thời gian khủng hoảng kinh tế kéo dài của Italy, bắt đầu từ cuối năm 2007.
Theo Ngân hàng nhà nước Italy (Bankitalia), nợ công của Italy tính tới cuối tháng 1/2015 đã tăng 31 tỷ euro so với tháng cuối cùng của năm 2014, lên 2.165,9 tỉ euro, gần bằng mức nợ kỷ lục 2.167,7 tỷ euro vào cuối tháng 7/2014. Bankitalia dự đoán, trong những tháng tới, nợ công của Italy sẽ tiếp tục tăng và có khả năng vượt ngưỡng kỷ lục cách đây 10 tháng. Với mức nợ công tương đương 132% GDP, Italy hiện là nước có nợ công cao thứ hai trong các nước EU, chỉ sau Hy Lạp. Nợ công được cho là một gánh nặng cản trở quá trình phục hồi của nền kinh tế nước này.
Năm 2014 cũng ghi nhận tình trạng giảm phát kéo dài, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm tỉ lệ lớn trong nền kinh tế Italy, phá sản hàng loạt, lên tới gần 160.000, cao nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, trong khi lòng tin của người tiêu dùng và nhà sản xuất giảm. Mặc dù vậy, trong một báo cáo gần đây, ISTAT dự báo rằng Italy có thể sẽ thoát khỏi suy thoái trong quý I/2015, với tăng trưởng GDP ở mức 0,1%. Nếu điều này là hiện thực, đây sẽ quý đầu tiên Italy có tăng trưởng GDP ở mức dương kể từ quý II/2011.
Trương Anh Ngọc(P/v TTXVN tại Italy)