Người Đài Loan khốn khổ vì ô nhiễm tiếng ồn

Sống trên khu chợ đêm nổi tiếng Shida ở Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), ông John Lin hầu như chẳng ngủ được nhiều. Tình trạng này còn tồi tệ hơn khi gần đây, người bán hàng được phép họp chợ đến tận 2 giờ sáng.

 

Ông John Lin – một nạn nhân của ô nhiễm tiếng ồn. Ảnh: Internet

 

Ông Lin kể: Bạn nghe thấy tiếng người mua hàng nói, tiếng người bán hàng ra lệnh cho nhân viên và tiếng thanh thiếu niên cãi vã bên dưới. Tiếng ồn vẫn không chấm dứt ngay cả khi chợ tan vì người bán hàng còn ở lại tán chuyện đến tận 3 giờ sáng.

 

Chưa hết, nhân viên dọn dẹp các quầy hàng tiếp tục gây tiếng ồn đến tận 4 giờ. Rồi đến lượt người thu gom rác nhà nước làm công việc của họ thêm một tiếng nữa. Ông Lin kết luận: “Bạn không thể sống và bạn không thể ngủ”.

 

Tiếng ồn luôn luôn là một phần của cuộc sống ở Đài Loan, đặc biệt trong giai đoạn công nghiệp hóa nhanh từ những năm 1960 đến 1990. Nhưng trong những năm gần đây, người dân dường như không thể chịu đựng được.

 

Theo Cục bảo vệ môi trường của Đài Loan (EPA), số đơn kiện tăng 15%/năm, lên 58.000 đơn năm 2011. Điều đó đã buộc EPA gần đây phải thông báo các kế hoạch thắt chặt quy định về tiếng ồn.

 

Bắt đầu từ tháng 1/2013, cường độ âm thanh tối đa mà người Đài Loan có thể gây ra, dù ở nhà, ở các doanh nghiệp hay nhà máy, phải giảm xuống 3 decibel, một nửa mức so với trước. Thời gian mà mọi người có thể gây tiếng ồn cũng được rút ngắn lại.

 

Ông Chou Li-chung, một quan chức EPA phụ trách quản lý tiếng ồn, cho biết EPA sẽ thực hiện những biện pháp cứng rắn nhất từ trước đến nay. Ông Chou nói: “Do thị trường bất động sản bùng nổ, có ngày càng nhiều tòa nhà, nhà hàng và doanh nghiệp. Nhưng cùng lúc đó, cuộc sống của người dân ngày càng căng thẳng hơn. Họ muốn một môi trường thanh bình. Họ muốn một cuộc sống chất lượng hơn. Đó là lý do tại sao chúng tôi thắt chặt quy định về tiếng ồn”.

 

Ồn ào 24/24

Vấn đề tiếng ồn bắt nguồn từ mật độ dân số cao của Đài Loan. Dân số của hòn đảo này là 23 triệu người, tương đương dân số Australia nhưng diện tích chỉ bằng một phần nhỏ. Trong khi đó, chỉ 1/3 diện tích đất ở Đài Loan có người ở, số diện tích còn lại chủ yếu là núi non không người.

 

Thiếu đất nên quy hoach khoanh vùng hầu như không có: khu dân cư, doanh nghiệp, văn phòng và thậm chí một số nhà máy đều trong cùng một khu vực.

 

Trên nhiều con phố, tầng 1 của tòa nhà chật kín cửa hàng như quán cà phê, cửa hàng bán giày, cửa hiệu, nhà hàng ăn, hiệu bánh, hiệu cắt tóc, hiệu thuốc…Còn vỉa hè là lãnh địa của người bán hàng rong. Từ tầng 2 là các căn hộ, văn phòng và doanh nghiệp.

 

Người dân phải chịu đựng đủ loại âm thanh chát chúa, từ tiếng búa, tiếng khoan, tiếng ô tô đến tiếng xe máy. Ngay cả khi đêm đã khuya, họ vẫn không thể ngủ được do bị tiếng kêu của gia cầm, tiếng quạt thông gió, tiếng máy lạnh từ các nhà hàng, rồi tiếng đốt pháo hoa của các chùa…tra tấn.

 

Trong số những tác nhân gây tiếng ồn nhiều nhất là những công ty sửa nhà. Vì phần lớn mọi người sống quá gần nhau nên mỗi khi có nhà nào sửa thì âm thanh có thể trở nên quá sức chịu đựng. Nhiều người chịu đựng vì cho rằng họ cũng có thể cần sửa lại nhà một ngày nào đó. Những trong những năm gần đây, nhiều người đã phàn nàn về điều này. Khoảng 1/3 đơn kiện tiếng ồn ở Đài Bắc liên quan đến vấn đề sửa nhà.

 

Dự án sửa nhà có thể kéo dài ít nhất một tháng. Khi nhà này sửa xong, lại đến nhà khác. Nếu một nhóm nhà đầu tư mua toàn bộ tòa nhà, dự án có thể kéo dài tới một năm, trong khi họ được phép làm cả vào ngày cuối tuần.

 

Tiếng ồn từ các công trình xây dựng là nỗi thống khổ của người Đài Bắc. Ảnh: Internet

 

Một người dân tên là Chang Chia-fong nói: “Vấn đề là chính quyền đặt kinh tế lên trên mọi thứ khác”. Bà và người khác đã nộp đơn kiện vì các cửa hàng bên dưới được phép mở ở nơi đáng ra không được mở. Khi cảnh sát tiếng ồn điều tra, họ thường không phạt tiền, chỉ yêu cầu người vi phạm sửa sai.

 

Khó trăm bề

Cách đây vài thập kỷ, khi Đài Loan vẫn là một nền kinh tế đang phát triển, người sân sẵn sàng chịu đựng nhiều tiếng ồn. Nhưng giờ Đài Loan đã trở thành trung tâm kỹ thuật cao quan trọng.

 

Khi có nhiều tiền hơn, người dân muốn cuộc sống chất lượng cao hơn, trong đó có môi trường yên tĩnh hơn.

 

Nhiều năm qua, chính quyền đã thực hiện các biện pháp để giải quyết vấn đề nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức khi tìm cách cân bằng nhu cầu phát triển kinh tế và mong muốn có môi trường yên tĩnh.

 

Một số tác nhân gây tiếng ồn cho rằng tiếng ồn là điều không thể tránh khỏi. Ông Tsai Sin-fu, một quản lý khu vực xây dựng tòa nhà dân cư, nói: “Chúng tôi đã thử nhiều cách để giảm tiếng ồn nhưng người dân vẫn phàn nàn, Chúng tôi cố để họ không bị ảnh hưởng nhưng chúng tôi cũng phải hoàn thành dự án xây dựng của mình”.

 

Cũng có nhiều chỉ trích cho rằng quy định mới chưa đủ mạnh nhưng chắc chắn, người Đài Loan sẽ chưa thể được hưởng thanh bình một sớm một chiều.

 

Trước làn sóng đầu tư từ Trung Quốc đại lục, nhiều thành phố lớn ở Đài Loan sẽ có thêm nhiều hoạt động kinh tế và đó có nghĩa là nhiều tiếng ồn hơn.

 

Quay trở lại với khu chợ đêm Shida, nhiều người dân quanh đây đã bị suy nhược thần kinh do tiếng ồn. Có gia đình không mở cửa sổ một năm liền.

 

Sau khi hợp lực, họ đã gây sức ép buộc chính quyền thành phố phải ra lệnh cho người bán hàng đóng cửa sớm hơn. Chợ giờ phải đóng cửa lúc 23 giờ 30 nhưng nhiều hoạt động vẫn kéo dài qua 0 giờ 30.

 

Đối với những người như ông Lin, điều này vẫn còn tốt chán. Hơn nữa, tai ông cũng bớt bị tra tấn sau khi bỏ ra 4.000 USD để lắp cửa sổ dày hơn. Ông nói: “Thật là một cuộc sống kinh khủng”.

 

 

Thùy Dương (theo BBC)

Dân Okinawa kiện đòi bồi thường vì tiếng ồn của máy bay Mỹ
Dân Okinawa kiện đòi bồi thường vì tiếng ồn của máy bay Mỹ

Khoảng 3.100 người dân sống gần căn cứ không quân Futenma của Mỹ ở Ginowa, tỉnh Okinawa ngày 30/3 đã gửi đơn kiện chính phủ Nhật Bản đòi chấm dứt các chuyến bay tại căn cứ này và bồi thường cho những tổn hại sức khỏe do tiếng ồn của máy bay Mỹ gây ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN